> Hà Nội đổi giờ học, làm việc từ 1-2: Ảnh hưởng hàng triệu người
Ảnh: Hồng Vĩnh.
CSGT sẽ ra đường từ 6h sáng
Cùng việc điều chỉnh hoạt động của xe buýt, nút đèn tín hiệu, từ ngày mai, CSGT sẽ ra đường làm nhiệm vụ từ 6h sáng.
Theo phương án triển khai đổi giờ vừa được Sở GTVT Hà Nội đưa ra, từ ngày 1-2, Sở GTVT sẽ điều chỉnh giảm, giãn cách giờ chạy xe buýt giờ cao điểm sáng và chiều thêm 60 phút. Cụ thế, nếu giờ cao điểm sáng của xe buýt hiện nay từ 6h30 đến 8h30 sẽ được điều chỉnh lại từ 6h đến 9h, chiều từ 16h30 đến 18h30 điều chỉnh lại từ 16h30 đến 19h30. Đối với giờ vào và tan học của học sinh, ngoài xe buýt vận chuyển cố định sẽ được tăng cường các tuyến buýt nhanh để giải tỏa học sinh giờ cao điểm.
Với xe buýt chạy vào các khung giờ còn lại vẫn giữ nguyên tần suất để đảm bảo phục vụ cán bộ công chức, viên chức trung ương và Hà Nội trong thời gian làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều. Riêng với 12 tuyến buýt có đông hành khách và chạy qua gần 30 trường ĐH,CĐ như 02, 16, 06, 08, 16, 27, 28, 32, 39, 54, 56, 58 được tổ chức chạy thêm từ 11 đến 37 chuyến lượt ngày khi thực hiện đổi giờ.
“Cùng với phương án trên, Sở GTVT đang rà soát và thay thế toàn bộ hệ thống biển báo cấm xe tải, xe khách và phân luồng lại trong giờ cao điểm cho phù hợp với tình hình mới”, ông Nguyễn Xuân Tân - PGĐ Sở GTVT Hà Nội nói.
Tuy không thuộc đối tượng điều chỉnh giờ làm nhưng phương án CSGT đi làm từ 6h thay vì 6h30 như hiện nay cũng được quán triệt đến Công an thành phố. Chiều qua, đại diện Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, kế hoạch CSGT ra đường làm nhiệm vụ giờ cao điểm từ 6 đến 9h thay vì 6h30 đến 8h30 sáng như hiện nay đã được Phòng triển khai đến các đội trong khu vực nội thành và sẽ bắt đầu áp dụng đồng loạt từ ngày 1-2.
Phụ huynh bất an
Điều các bậc phụ huynh lo nhất là quỹ thời gian không đủ để chăm sóc cho cuộc sống của gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ.
Sáng mùng 8 Tết, nhận được tin nhắn thông báo thay đổi giờ học của con trai (đang học lớp 11 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ), chị Hoàng Thị Anh Thư – giáo viên trường THPT Quang Trung (Đống Đa – Hà Nội) giật mình. “ Thấy báo, đài nói nhiều đến phương án này, tôi nghĩ sẽ không đưa vào thực tế. Đùng cái, hai ngày nữa áp dụng rồi, lo quá”.
Điều chị Thư lo nhất là việc giờ học, giờ làm của các thành viên trong gia đình bỗng nhiên lệch nhau hoàn toàn, đặc biệt là hai đứa con. Theo lịch của nhà trường gửi, bắt đầu từ ngày 1 – 2, con trai chị sẽ phải đi đến trường lúc 6h20 để chuẩn bị 6h45 vào lớp. Con gái nhỏ (đang học lớp 4), sẽ vào lớp lúc 8h. Bản thân là một giáo viên THPT, nếu dạy tiết một, chị phải đến trường trước 7h, trong khi chồng chị 7h30 mới đi làm.
từ trường về nhà. Ảnh: Trường Phong.
“Đi chợ sớm quá thì chưa có người bán, đi muộn thì không đủ thời gian nấu ăn, chưa kể còn phải đi chợ cho bữa trưa, bữa tối. Đưa con gái đi học sớm thì sợ con bơ vơ ở trường chờ đợi giờ vào lớp, đưa con đến đúng giờ thì bản thân muộn tiết. Chồng đi làm thì ngược đường với con gái. Muốn đưa con đi cũng khó vì trễ giờ làm…Nói chung, tính đường gì cũng đảo lộn hết” – Chị Thư nói.
Bố mẹ chị Thư ở quê vốn mắc bệnh tiểu đường, dự định vài ngày tới sẽ lên nhà chị Thư đi khám bệnh, theo dõi sức khỏe. “Bệnh tiểu đường kiêng khem ghê lắm, ăn uống phải đúng giờ giấc. Các cụ lên vào đúng dịp thay đổi giờ làm việc, giờ học, chắc sẽ khổ đây” – Chị Thư chưa tìm ra câu trả lời cho múi giờ mới.
Tuy nhiên, việc đổi giờ làm, giờ học lại chẳng ảnh hưởng gì tới nhiều gia đình. Bà Nguyễn Thị Lý, 65 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội đồng tình với quyết định đổi giờ làm, giờ học của Hà Nội. “Đổi gì thì đổi, miễn sao hết ùn tắc giao thông là được”.
Bà Lý ở cùng vợ chồng người con trai và hai đứa cháu nội. Đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ đang tuổi học mẫu giáo. Sáng, cô con dâu tiện đường đi làm bằng ô tô, chở đứa lớn đi học. Tối, không có người đón, gia đình thuê xe ôm chở về tận nhà. Còn bà Lý hàng ngày đưa đứa nhỏ đi mẫu giáo gần nhà và đón về.
“Hiếm khi gia đình tôi ăn sáng cùng nhau. Các cháu đều vội đi làm, đi học cả mà. Tối cũng thế, nhiều khi chia làm bốn lần mới xong bữa cơm” – bà Lý nói.
Chị Phương làm việc tại Bộ Tài chính, thường phải có mặt tại cơ quan lúc 7h30. Con gái 3 tuổi của chị phải dậy từ 6h45. Nay đổi giờ làm sang 8h chị cảm thấy hợp lý vì “con tôi được ngủ thêm 30 phút. Trong mùa lạnh, đây là thời gian quý giá với trẻ em”.
Từ 1-2, 10 quận và 2 huyện (Từ Liêm, Thanh Trì) sẽ điều chỉnh giờ học, làm theo 3 nhóm. Nhóm 1, gồm Sinh viên, học viên các trường ĐH-CĐ-Trung học - Dạy nghề và học sinh THPT, sáng sẽ vào học từ trước 7h, kết thúc sau 7h tối.
Nhóm 2, gồm học sinh các trường Mầm non, THCS, sáng vào học từ 8h, chiều kết thúc vào 5h, riêng các trường bố trí giáo viên nhận cháu từ 7h30 sáng và trả đến 5h30; với cán bộ, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội) sáng bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 5h chiều.
Nhóm 3 gồm Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) sáng bắt đầu làm việc từ 9h và kết thúc vào 7h tối.
Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội: Chịu tác động mạnh nhất là học sinh, sinh viên
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, về cơ bản các cơ quan hành chính của thành phố không bị xáo trộn do việc thay đổi giờ học, giờ làm vì quy định sáng 8 giờ vào làm và chiều kết thúc vào 17h vẫn đang thực hiện.
Tác động mạnh nhất trong điều chỉnh giờ làm, giờ học lần này là đối tượng học sinh, sinh viên, các trung tâm thương mại, siêu thị. “Hà Nội đã cân nhắc rất kỹ phương án đổi giờ làm, giờ học. Giữ nguyên giờ làm việc của cán bộ, công chức nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông”-ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Lương – Phó Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội – do thời gian làm việc từ ngày 1-2 tới không thay đổi so với hiện nay nên hoạt động của các bộ phận, nhất là tại 3 địa điểm “Một cửa” tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của doanh nghiệp, công việc vẫn diễn ra bình thường...