GS Trần Thanh Vân: Cần một 'khoán 10' trong khoa học

TP - Việt Nam có nhiều huy chương Olympic quốc tế, nhiều học sinh giỏi quốc gia, nhưng nghiên cứu khoa học, kể cả khoa học cơ bản vẫn chưa phát triển, chưa có các nhà khoa học “made in Vietnam” tầm cỡ quốc tế. Vậy đâu là gốc của vấn đề? Làm thế nào để giải quyết bài toán này trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đến rất gần? PV Tiền Phong vừa có cuộc trao đổi với GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam nhân chuyến GS về nước trao học bổng Odon Vallet cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
GS Trần Thanh Vân. Ảnh: Nghiêm Huê.

Thưa ông, nghiên cứu khoa học của Việt Nam chưa thực sự lôi cuốn được người trẻ tham gia. Làm sao để khuyến khích người trẻ nghiên cứu khoa học, thưa ông?

Chúng tôi luôn mong muốn, khuyến khích người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Ở Quy Nhơn, Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập trung tâm khám phá  khoa học, những người trẻ có thể đến đó nghiên cứu, nói chuyện với các nhà khoa học.  Theo tôi, không cần phải đợi đến khi là sinh viên mà từ bậc tiểu học đã có thể cho các em chạm tay đến khoa học. Chúng ta phải lo ngay từ lúc trẻ. Từ các thí nghiệm đơn giản, dễ làm, rồi dần dần học sinh có thể đi sâu vào nghiên cứu khoa học theo từng ngành. Ở các trường tiểu học, THCS, nhất là các thành phố lớn, có thể thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học. Tuy chỉ là những nhóm nhỏ nhưng cũng bắt đầu hình thành niềm đam mê trong trẻ. Thành lập các câu lạc bộ khoa học cũng là phù hợp với điều kiện còn khó khăn của Việt Nam hiện nay để thu hút học sinh đến với nghiên cứu khoa học và thích  đến trường.

Với sinh viên thì sao, thưa ông?

Ở Việt Nam, có ít phòng thí nghiệm  để sinh viên có thể học hỏi trực tiếp, nên cũng hạn chế sinh viên nghiên cứu khoa học. Một trong những ngành mà sinh viên mong muốn và rất tò mò muốn khám phá là ngành vật lý thiên văn thì ở Việt Nam không có trong chương trình đào tạo. Từ câu chuyện này có thể thấy chúng ta cần phải thay đổi.

Theo ông, phải thay đổi như thế nào?

Giống như tất cả mọi lĩnh vực, nghiên cứu khoa học cũng thế. Sinh viên đi theo thầy. Quan trọng là những người thầy có truyền ra được ngọn lửa đam mê không. Không phải  học sinh, sinh viên chỉ đi học kiến thức ở thầy, mà đạo đức, lối sống của thầy hết sức quan trọng. Chính điều này đưa các em đến sự kính trọng đối với khoa học. Không thể kêu gọi sinh viên đi theo khoa học nếu như họ thấy trong khoa học có những chuyện không tốt, những chuyện giả dối. Như  mọi lĩnh vực, thầy hay lãnh đạo phải làm sao tạo ra được sự ngưỡng mộ, thu hút. Sự ngưỡng mộ đó  sẽ đưa các em một ngọn lửa đam mê.  Năm 1993, tôi gặp Đàm Thanh Sơn, lúc đó anh mới xong luận án. Giờ, anh là ngôi sao sáng  của thế giới. 

Chúng ta cần những ngôi sao sáng là các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài như GS Đàm Thanh Sơn. GS gặp gỡ các em, đưa các em đến với sự đam  mê khoa học. Bởi bản thân GS là ngọn lửa để truyền cảm hứng khoa học. Không có gì thiết thực hơn là người trẻ được nhìn thấy người thật, việc thật.

Nhưng muốn như vậy, thật sự phải có sự hy sinh của các nhà khoa học. Học sinh, sinh viên ngưỡng mộ các nhà khoa học đó đã là một thành công.

Nhưng các nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đa số ở nước ngoài, trong nước rất ít. Thật khó để học sinh, sinh viên được tiếp xúc với các nhà khoa học bằng xương bằng thịt ?

Cũng phải. Với cơ chế như của Việt Nam hiện nay thật khó để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý nghiên cứu, sáng tạo. Tiến sĩ mà lương như hiện nay làm sao các nhà khoa học sống nổi. Có thực tế, các nhà khoa học cần được sống trong môi trường khoa học, họ không phải thường trực nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tôi đã từng tiếp xúc với một nhà khoa học nước ngoài. Ngay cả lúc ăn, họ cũng không để tâm xem mình đang ăn gì mà chỉ chú tâm nói về vấn đề khoa học họ đang nghiên cứu.

Còn tại Việt Nam, họ vừa làm khoa học, vừa phải làm thêm việc khác để sống thì làm sao có điều kiện để phát triển chuyên môn? Lương tiến sĩ không bằng lương của thư ký một doanh nghiệp thì làm sao họ tập trung cho khoa học được. Nên những thành tựu trong quá khứ của họ sẽ mai một dần.

Tôi nói thật, các nhà khoa học không đòi hỏi phải có hàng trăm triệu hay hàng triệu đô la để sống. Họ chỉ cần  có đủ điều kiện sống để phát huy khả năng nghiên cứu khoa học. Đừng bắt họ sống tự túc. Họ không sống  được như thế. Họ phải được sống trong đam mê khoa học. Điều khó của chúng ta là ở đấy. Cần phải có cơ chế để các em được phát triển. Trong đó có vấn đề lương bổng. Làm sao để các nhà khoa học được sống trong bầu không khí khoa học là một vấn đề. Singapore là một nước nhỏ, dân số thấp nhưng khoa học của họ như thế nào? Trước kia họ cũng nghèo, còn nghèo như mình nhưng họ đã có được sự phát triển như ngày hôm nay là từ đâu? Thực ra các lãnh đạo của chúng ta đều biết điều này. Nhưng cần một cơ chế, cần một chính sách đủ mạnh để thay đổi. Còn tiềm năng nghiên cứu khoa học của Việt Nam là rất lớn. Chính sách mới phải đủ mạnh như khoán 10 trong nông nghiệp những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều khi phải mạnh dạn thay đổi 100%.  Tuy nhiên, cũng phải nói sự phát triển luôn luôn tùy ở người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo tâm huyết, đam mê với khoa học thì những người làm việc với họ sẽ được kéo theo.

Cảm ơn ông.

“Cần một cơ chế, cần một chính sách đủ mạnh để thay đổi. Tiềm năng nghiên cứu khoa học của Việt Nam là rất lớn. Chính sách mới phải đủ mạnh như khoán 10 trong nông nghiệp những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều khi phải mạnh dạn thay đổi 100%”.

               GS. Trần Thanh Vân

Trường chuyên là một hệ thống tốt, không nên bỏ !

“Tôi nghĩ trường chuyên là hệ thống tốt. Tôi nghe nói có  ý định bỏ trường chuyên. Tuy nhiên, theo tôi, con người không giống nhau, mỗi người có ý tưởng, năng lực khác nhau. Những học sinh ưu tú phải được chúng ta giúp đỡ để các em đi đến đích nhanh hơn, không thể đặt tất cả mọi người trên vị trí giống nhau. Ngày xưa chúng ta đã có lớp cử nhân tài năng. Những con người trong lớp cử nhân tài năng đó đã có những thành tựu đóng góp cho Việt Nam. Bỏ hoàn toàn lớp cử nhân tài năng là không tốt. Cần phải làm có cái bền vững, để phát triển lâu dài” -  GS Trần Thanh Vân nói.