Giun lúc nhúc dưới da vì ăn… lươn, ếch
Ai cũng nghĩ ăn các món thủy sản bắt từ đồng ruộng ngon và…lành nhất, nhưng ít người biết mấy động vật “hương đồng gió nội” này chế biến không kỹ sẽ là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người.
Mặt biến dạng vì ăn ếch đông lạnh xào lăn
Một nạn nhân của món ăn đồng quê nói trên là ông Trần Văn Minh, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM. Trên người ông Minh xuất hiện một khối áp xe bên hàm trái. Đi khám khắp nơi, ông đều được bác sĩ nội khoa chẩn đoán bị áp xe mô, cho uống kháng sinh liều cao nhưng bệnh tình chẳng đỡ.
Ông Minh càng hốt hoảng khi thấy khối áp xe mỗi ngày dịch chuyển, nhích dần về phía cằm, cổ.
Khi tới khám chuyên khoa Bệnh nhiệt đới, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị khối áp xe, gây viêm mô do nhiễm loại giun có tên khoa học Gnathosma spinigerum (kích thước dài 2 mm, đầu có 6 hàng gai nhọn).
Loại giun này sống trong các loài thủy sản như cá lóc, ếch, lươn đồng, rắn.
Ông Minh bị nhiễm giun Gnathosma spinigerum vì trước đó mua thịt ếch đồng để tủ lạnh, xào lăn ăn dần.
Thịt ếch để đông đá, xảo lăn chỉ chín được lớp ngoài, bên trong vẫn còn đỏ. Chính vì vậy, trứng, nang của giun Gnathosma spinigerum còn sống, thâm nhập vào cơ thể gây áp xe.
Do ông Minh nhiễm ký sinh trùng Gnathosma spinigerum quá lâu nên khi điều trị, dù đã diệt hết giun nhưng khối áp xe bị xơ hóa, gây biến dạng khuôn mặt mãi mãi.
Bị giun gây áp xe khiến ngực to như phụ nữ
Trường hợp của thanh niên Trương Văn Thành, 18 tuổi, thật oái oăm. Thành không bị giun Gnathosma spinigerum gây áp xe ở mặt như ông Minh mà bị ở ngực trái.
Khi thấy vú trái to bất thường, Thành đi khám khắp nơi, được các bác sĩ chẩn đoán rối loạn nội tiết nên tuyến vú phát triển. Nhưng có một điều lạ, nếu tuyến vú phát triển do rối loạn nội tiết tố, thì cả hai vú phải cùng to, ở Thành chỉ có một vú trái phát triển.
Cuối cùng, khi gặp bác sĩ khám chuyên khoa ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Thành được biết mình nhiễm giun Gnathosma spinigerum, gây áp xe. Vì mắc bệnh lâu ngày, dù diệt hết giun nhưng khối áp xe ở vú bệnh nhân vẫn còn.
“Cậu ấy không dám mặc áo thun hay những loại áo bó sát bởi sự chênh lệch của hai vú. Điều này làm bệnh nhân vô cùng mặc cảm, thiếu tự tin” - TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, kể.
Điều tra bệnh sử, bác sĩ biết nguyên nhân mắc bệnh của Thành do ăn lươn xào lăn chưa chín kỹ.
Thêm trường hợp nữa bị nhiễm giun Gnathosma spinigerum qua thức ăn thủy sản là một cô giáo ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM.
Bác sĩ Siêu cho biết, khi tới khám, bệnh nhân bị một khối áp xe viêm, sưng to bằng quả chanh ở cẳng chân.
“Cô ấy vô cùng hốt hoảng vì khối áp xe di chuyển dần xuống cổ chân”, bác sĩ Siêu nói.
Khối áp xe đó chính là do giun Gnathosma spinigerum tạo ra, làm bệnh nhân đau nhức kéo dài, chân biến dạng kinh dị. Bệnh nhân kể, gia đình rất hay ăn cá lóc, lươn đồng.
Bác sĩ Siêu cảnh báo, người dân phải tập thói quen ăn chín uống sôi. Những thủy sản nuôi ít bị nhiễm giun Gnathosma spinigerum hơn thủy sản sống ngoài đồng nhưng quan niệm của người dân hay thích ăn cua, lươn, cá lóc, ếch đồng vì nghĩ chúng sống ngoài tự nhiên thịt sẽ chắc, ngon hơn.
Tuy nhiên, đối với thủy sản đồng phải được chế biến kỹ, nấu chín, cách thức xào lăn, hấp sơ không đủ làm chín thức ăn và giết chết trứng và ấu trùng giun sán. Khi ăn phải thức ăn này, ký sinh trùng sẽ thâm nhập vào cơ thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ Siêu, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, trong năm 2010, bản thân ông đã khám và điều trị cho tám bệnh nhân (năm nữ, ba nam) bị áp xe di chuyển dưới da do nhiễm giun Gnathosma spinigerum do ăn thủy sản.
Theo Thanh Huyền
VietNamNet