Giữ lấy hồn

TP - Khoảng mươi mười mấy năm về trước, Thanh Hoá phát hiện trong khu vực núi gần cầu Hàm Rồng một cái động cảnh sắc bên trong chả kém là bao so với các động ở vịnh Hạ Long: Nhiều người mừng rỡ: Thanh Hóa có thêm điểm du lịch hút khách. Nhưng cũng ngay từ khi đó, một vị phó chủ tịch thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố) đã lo xa: “Còn phải nghĩ cho nó một truyền thuyết, một cái hồn đã”.

>> Thử xem bẫy rùa

Có vẻ như vị lãnh đạo địa phương ngày đó đã đúng. Cho đến nay, cái động Hàm Rồng ấy chưa trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Phải chăng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là cái màn sương huyền thoại, để tạo hồn cho nó chưa được nghĩ ra? Càng thấy có lý khi nhớ đến một địa danh khác của xứ Thanh: Suối cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy.

Mặc dù đường xá xa xôi, khó khăn hơn nhiều so với Hàm Rồng nhưng khách thập phương nườm nượp đổ về. Lý do? Ngoài chuyện con suối đặc một loài cá lạ thì quan trọng hơn có lẽ là việc cứ lan truyền đồn đại rằng những con cá đó rất linh thiêng, là giống cá thần, ai xúc phạm chúng ắt sẽ rước hậu hoạ vào thân.

Thế nên, hồn cốt của một địa danh, một văn vật là tối quan trọng. Dễ hiểu vì sao mà bấy nay, đặc biệt trong mấy ngày qua, chính quyền thành phố Hà Nội và người dân cả nước lại căng thẳng như thế trước những vết thương và dáng vẻ lờ đờ của cụ Rùa Hồ Gươm.

Chính bởi, Hồ Gươm là địa linh của Thủ đô và cụ Rùa cùng truyền thuyết trả Gươm lại là linh hồn của nó. Có thể hình dung được không một Hồ Gươm mà không có cụ Rùa?

Từ chuyện cụ Rùa Hồ Gươm, có thể nghĩ rộng hơn về biết bao điểm địa linh, văn vật, lễ hội... đang mất dần hồn cốt của mình do những biến dạng mà chính các chủ nhân gây ra vô tình hay cố ý. Báo động đã gióng nhiều lần. Đừng để xảy ra tình cảnh như với cụ Rùa.

Theo Báo giấy