Giỡn mặt tử thần

TP - Cái chết thương tâm của hai cháu nhỏ trong vụ tai nạn nổ khí gas giữa Thủ đô làm xót xa, day dứt hàng triệu trái tim.

> Tràn lan thiết bị gas kém an toàn
> Hà Nội: Nổ khí gas, hai cháu bé thiệt mạng

Việc quản lý kinh doanh và sử dụng một loại hàng hóa thiết yếu song lại có “tác dụng phụ” kinh khủng thật đáng để chúng ta mổ xẻ.

Để sử dụng bếp gas an toàn, đặc biệt là xử lý khi có sự cố rò rỉ gas cần phải được tư vấn, hướng dẫn kỹ càng. Nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra chỉ vì sự kém hiểu biết. Có người khi phát hiện gas rò rỉ đã vô tư bật đèn điện, gọi điện thoại di động thậm chí bật quạt phù phù để xua khí gas. Họ có biết đâu rằng chỉ một cái đánh lửa của công tắc điện cũng biến căn nhà sặc mùi gas thành quả bom lửa. Hay như, có nhiều gia đình cẩn thận đến mức cho bình gas vào trong tủ gỗ đóng cửa kín, hoặc để bình gas sâu dưới lòng đất...

Có ngàn lẻ một lý do để khí gas có thể rò ra ngoài như: dây dẫn lỏng, khóa bình bị hỏng, van bị hư, chuột làm bật dây, thủng dây, bình bị mòn…Khí gas nặng hơn không khí và quẩn lại thành một “sát thủ giấu mặt”. Khi có tia lửa sẽ bùng lên thành biển lửa.

Trước tình huống này nếu như có kiến thức thì mọi việc thật đơn giản ví như khóa bình, mở cửa thông thoáng, không bật bất cứ thiết bị điện hay gọi điện trong khu vực đang có khí gas rò rỉ.

Hiện việc hướng dẫn sử dụng gas an toàn đang được phó mặc các đại lý gas. Các đại lý lại tuyển nhân viên thường là lao động phổ thông để chở gas thậm chí cũng không biết gì để hướng dẫn cho khách hàng. Một mặt hàng có yếu tố rủi ro cao, gây nguy hiểm nhưng lại được cả người dùng lẫn nhà sản xuất, nhà phân phối thờ ơ một cách kinh ngạc.

Vấn đề thứ hai là câu chuyện quản lý và trách nhiệm của các hãng gas. Năm 2009 trước tình hình phức tạp trong hoạt động kinh doanh gas, Chính phủ đã có Nghị định 107 quy định rất rõ về công tác quản lý, xử phạt, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên ngay cả những người đang kinh doanh gas cũng chua chát “ Nghị định vẫn đang ngủ”.

Thực tế là khí gas được mua bán vận chuyển khá dễ dàng. Nhiều người kinh doanh có thể mua bán trôi nổi khí gas sau đó sang chiết bất chấp luật pháp. Việc sang chiết gas trái phép đang xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, của các đơn vị kinh doanh đàng hoàng và đang tạo ra vô vàn mối nguy tiềm ẩn cho người dân. Nhưng việc xử lý vấn nạn này chẳng đáng là bao.

Hiểm họa khôn lường có thể xảy ra cho các thượng đế từ chính những nhà sản xuất vô đạo đức. Đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục “giỡn mặt tử thần”.

Theo Báo giấy