Theo người đứng đầu Nhà Trắng, sự can dự của Mátxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraine “vẫn tiếp tục gây đe dọa bất thường”. Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày cũng quyết định mở rộng trừng phạt đối với gần 150 quan chức Nga và cá nhân thuộc lực lượng ly khai Ukraine… Tuy nhiên, khác với một năm trước, thời điểm Mỹ và EU kéo dài cấm vận Nga tới tháng 3/2016, lệnh mới dường như không nhận được sự hưởng ứng của lãnh đạo nhiều quốc gia.
Ý đồ sâu xa của lệnh trừng phạt là làm suy yếu nền kinh tế Nga. Trên thực tế, không chỉ Nga, mà các doanh nghiệp phương Tây cũng phải trả giá đắt cho chính sách mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga, và ngược lại.
Hai năm qua, các loại pho mát của Pháp và trái cây vùng Địa Trung Hải không được nhập khẩu vào Nga, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung, khiến nông dân nhiều nước EU điêu đứng. Giới chức EU vẫn ám ảnh hình ảnh nông dân Tây Ban Nha ở Granada đổ bỏ hàng ngàn củ khoai tây ngay trước chuỗi siêu thị lớn Carrefour. Hay như người dân Amsterdam (Hà Lan) tổ chức “lễ hội” ném khoảng 200.000 quả cà chua, một trong những mặt hàng bị Nga cấm nhập khẩu. Theo thống kê về mức độ thiệt hại đối với EU năm 2015 do Viện Kinh tế ở Áo công bố, lệnh trừng phạt khiến Đức tổn thất 29,9 tỷ euro, Italy chịu thiệt 16,3 tỷ euro, Pháp 11,1 tỷ euro, Anh 9 tỷ euro và Tây Ban Nha mất 8,5 tỷ euro.
Không ngẫu nhiên mà trong cùng ngày tuyên bố gia hạn lệnh cấm vận Nga, báo chí đồng loạt đưa tin nội khối EU bất đồng nghiêm trọng về việc có tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga hay không.
Và dấu hiệu được truyền thông phương Tây nhận định là “sự?chuyển dịch chiến lược” với Mátxcơva là việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đang xem xét tham dự?diễn đàn kinh tế St. Petersburg vào tháng 6 tới.?Đây có thể?là chuyến đi đầu tiên đến Nga của một trong những lãnh đạo EU kể từ năm 2014.
Trong lịch sử thế giới hiện đại, “chưa bao giờ có một lệnh cấm vận quy mô lớn như vậy” như nhận xét của Giám đốc Viện Phân tích chiến lược Nga Igor Nikolaev. Tuy nhiên, khi mà cả EU, Washington và Mátxcơva đều cảm nhận tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt lẫn nhau, thì động thái của Mỹ và EU dường như là đòn “giơ cao đánh khẽ” trước khi tiến tới dỡ bỏ cấm vận Nga.