Giao thương độc đáo ở biên giới Tây Nam mùa dịch COVID -19

TP - Biên phòng tỉnh Đồng Tháp nghĩ ra cách trao đổi hàng hoá vô cùng độc đáo giúp người dân hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia tháo gỡ khó khăn trong giao thương khi các cửa khẩu biên giới tạm đóng để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Chiếc xuồng làm phương tiện vận chuyển hàng hóa

Từ khi đường biên giới tạm đóng phục vụ việc phòng chống dịch bệnh, cư dân biên giới nhiều nơi gặp khó khăn trong việc mua bán các nhu yếu phẩm phục vụ trong cuộc sống hàng ngày. Tại biên giới khu vực Miền tây Nam bộ, có những vùng người dân nước bạn Campuchia hàng ngày qua Việt Nam để đi chợ mua rau, thịt cá, mì gói, thậm chí ăn tô phở, lai rai vài xị giao lưu với người Việt.

Thấy được khó khăn trong việc đóng cửa biên giới chống dịch bệnh, Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp đã xin lãnh đạo tỉnh cho phép thực hiện các điểm trao đổi hàng hóa giữa người dân hai nước theo kiểu mua bán không tiếp xúc trực tiếp.

Bà Ngô Thị Khênh - ngụ ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, người chuyên cung cấp hàng hóa cho người dân Campuchia cho biết, do xã Coroka chưa có chợ nên lâu nay rất nhiều người dân sống lân cận qua đây đi chợ mua hàng hóa. Từ khi cửa khẩu đóng, người dân không thể qua nên gặp khó khăn.

“Mới đây địa phương cho thực hiện cách mua bán thông qua cái bàn đặt tại đường biên giới. Hàng ngày, người dân bên nước bạn gọi điện thoại qua mua hàng như gạo, mì, trứng... tôi lấy hàng hóa đem đến điểm giáp ranh đặt lên bàn do cán bộ biên phòng bố trí. Sau đó người dân Campuchia đến nhận hàng rồi để tiền lại”, chị Khênh chia sẻ.

Theo chị Khênh, việc trao đổi hàng hóa như thế này tuy có bất tiện nhưng đây là cách an toàn để tránh nhiễm bệnh COVID-19. Do vậy, người dân Campuchia cũng hiểu và chấp hành theo sự hướng dẫn của cán bộ biên phòng hai nước.

Còn tại xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, ông Võ Thanh Tuấn - người bán hàng tạp hóa cho biết,sau khi nhận điện thoại từ người dân nước bạn đặt mua hàng, ông lấy từng món đồ để cẩn thận ở trong túi nilon rồi đem hàng hóa xuống xuồng.

“Sau đó người mua hàng dùng dây tự kéo chiếc xuồng về phía bờ bên kia để lấy hàng, rồi họ bỏ tiền vào túi nilon hay chai nhựa đặt trên xuồng. Lúc này tôi kéo xuồng về, phun sát khuẩn lên tiền rồi mới nhận tiền”, ông Tuấn nói.

Được biết, mỗi ngày tại 2 điểm này có cả hàng trăm lượt người dân mua hàng hóa theo hình thức nói trên, giá cả cũng vừa túi tiền trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, do nhu cầu thiết yếu cần hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày nên tỉnh cũng tạo điều kiện người dân hai nước bên trao đổi, buôn bán nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định về khoảng cách, không được tiếp xúc trực tiếp. Việc mua bán được sự giám sát của ngành chức năng.

Đồng Tháp có 50,5km đường biên giới giáp với Campuchia, hiện nay các lực lượng như: Hải quan, Biên phòng, Y tế… luôn tăng cường tuần tra kiểm soát chặt chẽ người qua lại biên giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân, đo thân nhiệt, vận động tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chấp hành tốt.

Việc mua bán trao đổi hàng hoá của người dân 2 nước thông qua chiếc bàn