Giáo sư Trần Văn Khê - Người đến từ những mạch nguồn di sản

TP - Trong căn phòng bé nhỏ của GS.TS Trần Văn Khê, chỉ sau vài câu chuyện mà tôi ngỡ như được gặp một người vừa đến từ những mạch nguồn di sản dân tộc Việt Nam, ân cần dặn dò cho những đứa trẻ đang lớn lên giữa thời đại kỹ thuật số và chủ nghĩa tiêu dùng biết rằng đừng nên bỏ quên từng câu từng nhịp của những khúc hát đồng dao.

Ở độ tuổi có thể bình thản mỉm cười trước tất cả mọi chuyện xảy ra với đời và với mình, ai cũng tin rằng GS.TS Trần Văn Khê, suốt hơn 90 năm sống, trải nghiệm và làm việc miệt mài khắp nơi trên thế giới, giờ đây chắc phải đang nghỉ ngơi an nhàn trong căn biệt thự thoáng rộng do Nhà nước Việt Nam cấp để tri ân những công lao đóng góp to lớn của ông đối với nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.

Nhưng không! GS.TS Trần Văn Khê vẫn đang từng ngày từng giờ miệt mài làm việc trong căn phòng nhỏ vừa đủ kê một chiếc giường giản dị và bộ bàn làm việc luôn đầy ắp bản thảo giấy tờ. Phần còn lại của căn biệt thự được dành làm nơi lưu trữ và bảo quản hàng nghìn ấn phẩm, sách báo, tài liệu, băng đĩa về các nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam và thế giới, vốn là kết quả nghiên cứu suốt cả một cuộc đời vô cùng dung dị, khiêm nhường nhưng rất vinh quang của ông.

Riêng phòng khách lớn có thể được so sánh như một thánh đường thu nhỏ của nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Nơi đây được trưng bày trang trọng các nhạc cụ độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Những cây đàn đã cùng GS.TS Trần Văn Khê đi giới thiệu và biểu diễn ở nhiều quốc gia trên đủ cả năm châu lục. Sức hấp dẫn của nơi đây không có gì khác hơn là lòng nhân ái, tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam và trên hết tất cả là niềm cảm hứng vô tận để sống, để làm việc, để biết yêu thương và trân trọng, để có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn. Khi có dịp tiếp xúc với ông, bạn sẽ thật sự bất ngờ khi biết về cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê. Con người thật bình dị và hiền từ trò chuyện bằng trọn cả một tấm lòng với bất cứ ai từ đâu đến lại nguyên là Giáo sư đại học Sorbonne Paris suốt hơn 30 năm, và cũng chừng ấy năm là giáo sư chỉ đạo nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp – Chuyên ngành Âm nhạc.

GS.TS Trần Văn Khê đã hướng dẫn thành công 40 luận án Tiến sỹ cho sinh viên tại Đại học Sorbonne Paris, đã đi thỉnh giảng và giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam tại các Đại học Quốc gia của hơn 20 nước, trình bày tham luận nghiên cứu tại hơn 200 hội nghị quốc tế tại 67 quốc gia trên khắp thế giới. GS.TS Trần Văn Khê có hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành về âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của các nước. Tên tuổi của ông được giới thiệu và vinh danh trang trọng trong nhiều bộ bách khoa từ điển của Pháp, Anh, Mỹ, Ý. Ông là thành viên danh dự - Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (UNESCO), Viện sỹ thông tấn hàn lâm viện châu Âu về khoa học, văn chương, nghệ thuật.

Và sau bao nhiêu năm bôn ba nơi đất khách quê người, ông đã đem về Việt Nam cả một sự nghiệp tinh thần để trở về với những mạch nguồn di sản, nơi chính từ đó ông đã đến và trở thành một tài năng, một nhân cách tầm cỡ thế giới, có một không hai của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, GS.TS Trần Văn Khê được mọi người ghi nhận công lao đóng góp cho văn hóa dân tộc và cũng sẽ được những thế hệ tương lai mãi mãi tri ân bởi chính ông đã là một trong rất ít những người đầu tiên giới thiệu những tinh hoa đặc sắc, độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam ra quốc tế. Ông đã được chỉ định làm cố vấn UNESCO về các vấn đề âm nhạc châu Á và đã góp phần rất lớn trong việc đánh giá và tôn vinh Nhã nhạc cung đình Huế; sau này được UNESCO mời làm người đánh giá hồ sơ về Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên của Việt Nam – một kiệt tác của Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Qua nhiều năm làm việc kiên trì không mệt mỏi ở cả nước ngoài cũng như khi đã về nước, GS.TS Trần Văn Khê đã thực sự góp phần to lớn làm sống dậy các bộ môn nghệ thuật truyền thống, bằng việc giới thiệu ra quốc tế nghệ thuật Ca trù, Quan họ, hát Chèo, Múa rối nước của miền Bắc, Đờn ca tài tử và hát bội miền Nam. Từ không gian rộng lớn của đời sống nghiên cứu, giảng dạy – sáng tạo trong âm nhạc truyền thống và văn hóa nghệ thuật quốc tế, trở về với cội nguồn di sản dân tộc, GS.TS Trần Văn Khê đã đem theo toàn bộ sự nghiệp tinh thần của cuộc đời ông với hơn 460 kiện hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp gồm hơn 8.000 cuốn sách, 2.000 tạp chí nghiên cứu chuyên ngành âm nhạc, 40 tập bản thảo nghiên cứu, 800 đĩa than, 600 đĩa CD, 1.000 băng từ, 600 băng video VHS, hơn 100.000 bức ảnh đen trắng và ảnh màu.

Ít ai biết GS.TS Trần Văn Khê đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống trong những năm tháng đầu tiên nơi đất khách quê người. Ông từng làm thông dịch viên, làm cả lồng tiếng cho hơn 200 bộ phim và từng đóng phim tại Pháp.