Giảng viên 'kêu' giáo dục Việt Nam thiếu liên thông quốc tế

TPO – Tại những Hội thảo Đổi mới giáo dục, đào tạo Việt Nam gần đây, nhiều giảng viên đại học cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang đứng một mình, thiếu liên thông với thế giới.
Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không làm việc được ở nhiều nước. Ảnh minh họa: Internet

 > Xét tuyển, phỏng vấn vào đại học

Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không làm việc được ở nhiều nước. Ảnh minh họa: Internet.

"Không giống ai"

Phát biểu tại hội thảo đổi mới giáo dục diễn ra tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Trưởng khoa Nông học (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, giáo dục đào tạo Việt Nam không giống bất cứ nước nào trên thế giới.

"Khi đưa chương trình giáo dục của Việt Nam cho các đồng nghiệp nước ngoài, họ không hiểu gì cả. Chương trình do chúng ta tự soạn, tự dạy và tự cho mình là đúng, không có tính liên thông với quốc tế” – Thầy Hùng nói.

Thầy Hùng dẫn chứng, ngay trong khoa Nông học, một sinh viên tốt nghiệp chỉ làm việc được ở Việt Nam, Lào, Campuchia hoặc cùng lắm là đi Mozambique chứ không sang được Thái Lan, Philippines. "Giáo dục Việt Nam có tính quốc tế rất kém" - Thầy Hùng kết luận.

Thầy Hùng cũng nói rõ về mặt trái của những đổi mới giáo dục thời gian gần đây. Ông cho rằng, chúng ta đào tạo rất nhiều sinh viên ra trường, nhưng sinh viên chất lượng cao lại không có và không đảm bảo. "Trong hệ thống giáo dục đào tạo của ta, theo tôi, cấp một tốt, cấp hai tốt, lên phổ thông trung học là có vấn đề và đến đại học là rất có vấn đề" - Ông Hùng nói.

Nói về đổi mới giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Trưởng Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ trường Đại học Nông Nghiệp cho rằng, đào tạo tín chỉ ở Việt Nam mới chỉ mang tính hình thức.

“Chúng ta gọi tên đào tạo tín chỉ. Chúng ta cưa nó một cách cơ học. Chúng ta không dám phá đi và xây dựng lại từ đầu, không dám cắt gọt một số môn phụ trợ và không dám tạo dựng một chương trình thực sự gọi là tín chỉ, dẫn tới chúng ta vẫn dạy những môn học cũ, khoác cho nó một cái vỏ mới, sinh viên học vừa nông, vừa vụn, và không có chiều sâu” - Cô Thúy phân tích.

Đề cập việc cắt bỏ chương trình một cách cơ học, thầy Nguyễn Bá Mùi - Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản (Đại học Nông Nghiệp Hà Nội) cho rằng, chương trình học hiện nay nhiều môn cơ bản, quan trọng cũng bị cắt bỏ một cách máy móc.

”Nhiều môn cơ sở cốt lõi, chuyên ngành còn có 60 tiết thì học cái gì? Chỉ giới thiệu nội dung rồi lướt qua chương trình, các em đã hết thời gian rồi. Vậy, làm sao các em có thể nắm kiến thức sâu được. Với các môn hai tín chỉ (30 tiết), 22 tiết lý thuyết một môn học thì khác gì đi máy bay xem hoa”.

Chương trình học tín chỉ tại nhiều trường còn gây tranh cãi. Ảnh minh họa.

Không tin nhau

"Khi đưa chương trình giáo dục của Việt Nam cho các đồng nghiệp nước ngoài, họ không hiểu gì cả. Chương trình do chúng ta tự soạn, tự dạy và tự cho mình là đúng, không có tính liên thông với quốc tế” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng.

Một điểm yếu nữa của chương trình đào tạo tín chỉ, theo cô Thúy, là không có tính liên thông ngang giữa các trường. "Chúng ta kỳ vọng học tín chỉ để liên thông ngang, nhưng tại sao các trường đại học hiện nay không công nhận chứng chỉ và kết quả học tập của sinh viên trường khác? Thực ra, vì họ không tin vào chất lượng của nhau".

Thầy Mùi nói thẳng, việc đánh giá điểm chuyên cần cho sinh viên học tín chỉ không thể làm chính xác, giảng viên làm theo cảm tính. "Một lớp có đến cả trăm sinh viên, thầy làm sao nhớ hết mặt, biết hết tên để điểm danh chính xác mà cho điểm chuyên cần?"

Về nguyên nhân của những yếu kém, cô Thúy cho rằng, trên lý thuyết, xây dựng chương trình là một chu trình kín từ tìm kiếm, phát hiện, xác định nhu cầu của xã hội, của người học, từ đó mới xây dựng mục tiêu đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo, tồ chức thực hiện, đánh giá chương trình.

"Chúng ta rất yếu trong khâu đánh giá, nhìn nhận mục tiêu, nhu cầu của xã hội, nhu cầu người học. Ở nước ngoài, mỗi chu trình đó phải thực hiện từ 3 – 5 năm một lần, thử hỏi ở Việt Nam chúng ta làm trong bao nhiều năm?" - Cô Thúy nêu vấn đề.

Nói về điểm yếu của chương trình đào tạo, nữ giảng viên này cho rằng, các thầy có quá ít sự sáng tạo bởi khung chương trình của Bộ GD&ĐT. "Môn cứng, chúng tôi bỏ khó lắm".

Trong khi đó, thầy Hùng bộc bạch: "Bản thân tôi làm chủ tịch hai ba chương trình, nhưng chẳng sáng tạo được gì cả bởi vì bị áp hết rồi: Cái này 30%, cái kia 50% tôi chỉ sáng tạo được 20 – 30 % thì sáng tạo cái gì?".

Ngoài những nguyên nhân trên, yếu tố thu nhập cũng quyết định đến chất lượng đào tạo. “Nếu giảng viên không đủ sống, bằng trí tuệ của họ, hoàn toàn có thể kiếm sống một cách đàng hoàng. Nhưng tệ hại là họ sẽ không chuyên tâm vào công tác giảng dạy, thậm chí gây tác hại rất xấu đến kết quả giáo dục”.

Thầy Mùi thì so sánh, ở trường Đại học Nông nghiệp, lương dạy vượt giờ của đội ngũ giảng dạy (từ tiết 201 trở lên) chỉ từ 30 - 35 nghìn/ giờ. "Ở dãy nhà chúng tôi làm việc, cuối tuần họ thuê người lau nhà cũng trả công khoảng 100 nghìn trong ba giờ. Vậy chất xám của chúng tôi có rẻ quá không?".

Nên học tập mô hình của nước ngoài

Sau khi phân tích những yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng đề nghị, nên suy nghĩ thật kỹ, lựa chọn lấy một hệ thống giáo dục đào tạo có tính khả thi, tiên tiến nhất và theo đó mà đổi mới. "Đừng đổi mới theo kiểu của chúng ta, sẽ không hợp lý đâu" - Thầy Hùng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hữu Tôn - Khoa Công nghệ sinh học (Đại học Nông Nghiệp Hà Nội) cho rằng, nên suy nghĩ thật kỹ, cố gắng nghiên cứu một hệ thống giáo dục nào khá toàn diện, tiên tiến, gần với nước ta để làm theo. Khi đó, sẽ trả lời cho tất cả những câu hỏi, thắc mắc về vấn đề đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục.

Trước đó, tại tọa đàm đổi mới Giáo dục đào tạo tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trưởng phòng đào tạo trường này là Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, hệ thống bằng cấp ở Việt Nam dịch sang Tiếng Anh rất khó, nhiều loại không thể dịch được, gây khó khăn trong việc hội nhập giáo dục với thế giới.

Từ đó, thầy Sơn đề nghị, nên đổi mới mô hình đào tạo theo mô hình Anh - Mỹ hoặc mô hình châu Âu, rồi trên cơ sở đó xây dựng hệ thống tín chỉ quốc gia. Từ đó, định nghĩa lại cấp bậc đào tạo, trình độ đào tạo như thế nào, ứng với số tín chỉ là bao nhiêu, làm cơ sở chuyển đổi liên thông trong nước, khu vực và quốc tế.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải đổi mới chương trình. Trong dự thảo luật giáo dục đại học, chương trình khung sẽ không còn, các trường phải xây dựng một chương trình của mình để làm sao sinh viên đạt được những kiến thức phù hợp khi đã tốt nghiệp đại học.

"Nếu chúng ta bắt buộc, cứng nhắc theo một khung, trường nào cũng phải theo khung ấy thì sẽ không đáp ứng được tiến bộ khoa học công nghệ, cũng như không thích nghi được với môi trường trên thế giới" - Thứ trường Ga nói.

"Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay đi theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình khác biệt quá nhiều so với chương trình thế giới thì rõ ràng chúng ta đang cô lập. Bây giờ chúng ta đang trong quá trình hội nhập thì những cải cách trong chương trình của chúng ta cũng phải có tham khảo, nhập khẩu các mô hình nước ngoài để dần tiếp cận với chương trình của thế giới. Hiện nay, chúng ta có 35 chương trình tiên tiến sử dụng chương trình của thế giới. Đây là bước tập dượt để chúng ta chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc tế" - Thứ trưởng Ga cho biết thêm. 

Theo Viết