> Chạy chức, chạy quyền cản đường người giỏi
> Cho ý kiến về nhiều báo cáo của Chính phủ
> Không thể gộp đại học như hợp tác xã
Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận những yếu kém trong quản lý cũng như trong chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Tình trạng vụ lợi còn xảy ra tại các cơ sở này, nhất là cơ sở ngoài công lập. Có trường chia chác lợi nhuận không đều, dẫn đến mâu thuẫn triền miên.
“Nói là phi lợi nhuận nhưng họ lại quá chú trọng mục tiêu lợi nhuận. Để giải quyết tình trạng này, Bộ GD-ĐT sẽ có chấn chỉnh, đồng thời phải nhờ đến hệ thống kiểm toán, hậu kiểm” – ông Luận nói.
Trả lời câu hỏi về trình độ giảng viên tại các cơ sở GDĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, tỷ lệ có trình độ tiến sỹ trở lên toàn ngành hiện nay là 14%, thạc sỹ 35% (tính chung trình độ trên ĐH là 49%).
“Hơn 50% giảng viên mới tốt nghiệp ĐH lại đi dạy ĐH có ổn không?”- Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai lo ngại. Theo bà Mai, tình trạng nở rộ các trường thời gian qua dẫn đến “quy mô, nhu cầu đã vượt xa năng lực đào tạo thực tế”. Để khắc phục, luật cần xây dựng một mức sàn chuẩn chất lượng đối với tất cả các trường, trên cơ sở đó phân loại, xây dựng các trường chất lượng, căn cứ vào các tiêu chí cơ sở vật chất, trình độ giảng viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, chúng ta đang duy trì mô hình ngược, quản lý chặt đầu vào nhưng lại thả lỏng đầu ra. Hệ thống các trường “trăm hoa đua nở”, nhưng chất lượng lại quá thấp. Luật phải giải quyết được vấn đề đổi mới GDĐH “căn bản, toàn diện” theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng XI.
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết: “Thường trực Ủy ban cho rằng, trình độ giảng viên phải cao hơn trình độ đào tạo, cụ thể để giảng dạy trình độ cao đẳng, giảng viên (GV) ít nhất phải có bằng đại học; giảng dạy đại học, GV phải có trình độ sau đại học. Đề nghị quy định trình độ chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên”.
Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cũng “chiếu cố” đến những cơ sở mới thành lập, ở địa bàn khó khăn, có thể cho tạm tuyển dụng một tỷ lệ có trình độ tương đương trình độ đào tạo làm giảng viên, nhưng sau một thời gian nhất định phải đạt trình độ chuẩn.
Kiểm định chất lượng
Tán thành quy định kiểm định chất lượng GDĐH tại dự thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng, nêu rõ: “Đây phải là hoạt động bắt buộc nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo đối với tất cả các cơ sở GDĐH”. Cần quy định thành lập, điều kiện hoạt động của các cơ sở kiểm định, có quy trình, chu kỳ kiểm định, công khai kết quả kiểm định; có chính sách ưu tiên, khuyến khích cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng.
Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, đến nay cả nước có 440 cơ sở GD ĐH, trong đó 304 trường thành lập từ 1998-2009. Mục tiêu quy hoạch giáo dục đến 2015 có 70% giảng viên ĐH có trình độ thạc sỹ, trên 50 % có trình độ tiến sỹ, nhưng đến năm học 2008-2009 tỷ lệ tiến sỹ chỉ đạt 10,16%, thạc sỹ 37,31%.
“Thường trực Ủy ban đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Chỉ cho phép thực hiện những chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế” – ông Đào Trọng Thi nói.
Các ủy viên UBTVQH đồng tình lấy kết quả kiểm định làm căn cứ phân loại chất lượng cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu KH-CN, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải có chế tài đối với cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Nhà nước phải đưa ra bộ chuẩn toàn quốc để phân loại các trường khi kiểm định, dựa vào các tổ chức kiểm định độc lập, Nhà nước thanh kiểm tra, giám sát.
“Bộ chuẩn phải được quy định cụ thể vào Luật. Trên cơ sở đó, các trường có thể tự tính được chuẩn của mình. Sau đó, phải có tổ chức độc lập kiểm định, công bố công khai. Chuẩn nào học phí đó. Không thể chuẩn C mà anh lấy mức học phí của chuẩn A”.