Giám sát Formosa thế nào sau sự cố?

TP - Đánh giá các giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra đã giám sát tương đối chặt chẽ nước thải Formosa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc thay đổi công nghệ (từ dập cốc ướt sang dập cốc khô) và tăng cường quan trắc, lấy mẫu là chưa đủ để đảm bảo an toàn với môi trường, nhất là khi thời gian hoạt động của dự án dài tới 70 năm.
Trung tâm kiểm định chất lượng nước thải di động tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 29/7, thông tin trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết,  đang tiến hành triển khai kế hoạch toàn diện về khắc phục các sai phạm của Formosa, trong đó có việc giám sát Formosa sau sự cố. Theo ông Hà, Formosa sẽ phải chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải.

Trước đó, ngày 18/5, Sở TN&MT Hà Tĩnh đưa vào vận hành Trung tâm điều hành các trạm quan trắc tự động và lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động xả thải bằng hình tín  hiệu trực tiếp từ trạm quan trắc tự động của Formosa.

Hệ thống này giám sát trực tuyến xả thải 24/24h với 6 thông số  gồm pH, nhiệt độ, COD, chất rắn lơ lửng, tổng nitơ và lưu lượng nước thải. Ngoài sáu thông số này, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Formosa lắp đặt bổ sung thiết bị quan trắc 6 thông số khác gồm tổng dầu mỡ khoáng, tổng phenol, tổng xyanua, cadimi, thủy ngân, crom (VI). 

Theo ông Lê Anh Đức, Giám đốc Trung tâm điều hành các trạm quan trắc tự động của Formosa, hệ thống giám sát trực tuyến 6 thông số theo giấy phép xả thải đã được triển khai và vận hành. Thiết bị quan trắc 6 thông số bổ sung theo yêu cầu của Hà Tĩnh đang được lắp đặt.

Việc giám sát sẽ được thực hiện qua phần mềm điều hành được tích hợp qua smartphone của một số người, có khả năng tự động gửi tin nhắn, email cho những người có thẩm quyền và liên quan khi có vấn đề bất thường.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng yêu cầu Formosa lắp thiết bị lấy mẫu tự động được đấu nối với hệ thống xả thải của Formosa.  Khi nghi ngờ nước thải có vấn đề thì chỉ cần nhấn nút, máy sẽ tự động bơm mẫu vào các chai chứa mẫu.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện tại Bộ TN&MT đã đưa 2 trạm kiểm định môi trường di động đặt tại trạm xử lý nước thải sinh hóa và trạm xử lý nước thải công nghiệp của Công ty Formosa. 

Trạm kiểm định môi trường di động có 1 phòng phân tích thí nghiệm cho phép lấy mẫu 3 lần/ngày để phân tích, trong đó có các chỉ tiêu nguy hại (xyanua, phenol), định kỳ hàng ngày báo cáo kết quả về Bộ TN&MT cũng như UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, Công ty Formosa sẽ phải xây dựng một hồ sinh học có chức năng vừa để ứng phó sự cố vừa nuôi cá để làm chỉ thị sinh học.

 Hồ này phải có dung tích lớn với sức chứa 200.000m3 đến 300.000m3 đủ sức chứa nước thải trong một tuần trước khi thải ra môi trường. Trường hợp xử lý không đạt hoặc có sự cố thì có hệ thống bơm tuần hoàn lại để xử lý bảo đảm đạt tiêu chuẩn. 

Tại khu vực hồ cũng sẽ lắp đặt các camera tự động quan sát các hoạt động của cá và cũng sẽ chọn các loại cá nhạy cảm về môi trường để nuôi làm chỉ thị môi trường. Thông qua hoạt động, sự phát triển của cá sẽ biết được nước thải của Formosa có đạt chuẩn không.

Ngoài ra tại trạm xử lý nước thải sinh hóa, Formosa sẽ phải xây 2 bể sự cố, dung tích 20.000m3 đến 30.000m3, đảm bảo sức chứa từ 5 ngày đến một tuần, trong trường hợp sự cố hoặc xử lý không đạt sẽ được hồi lưu  quay lại trạm sinh hóa để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi bơm về trạm công nghiệp. Hiện nay, Công ty Formosa đang lên kế hoạch để thực hiện xây dựng các hồ trong thời gian tới.

TS Lê Thanh Lựu, chuyên gia thuộc Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, nếu mỗi năm Formosa được phép xả thải ra môi trường lượng xyanua, phenol là 9,6 tấn, các chất độc đó lan dần, tích tụ dần dần sẽ mãn tính, và khi đó không một môi trường, hệ sinh thái nào chịu nổi.

Vẫn còn khe hở

Theo một chuyên gia về xử lý nước thải, việc chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô, về cơ bản không làm giảm lượng chất độc hại thải ra môi trường. Bản chất của dập cốc khô hay dập cốc ướt đều thải loại ra môi trường những chất độc hại, chỉ khác nhau ở con đường thải ra là khí thải, chất thải hay nước thải.  

Nếu dập cốc ướt, tạp chất độc hại thải ra theo con đường nước thải. Vì thế, việc chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô chỉ làm giảm hàm lượng độc chất trong nước thải chứ tổng lượng chất độc hại ra môi trường là không thay đổi, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng kia.

Theo vị chuyên gia này, việc quan trọng nhất trong vấn đề giám sát Formosa là quản lý chất lượng quặng đầu vào. Formosa sử dụng quặng sắt làm nguyên liệu. Nếu sử dụng quặng tinh thì hàm lượng tạp chất thấp nhưng nếu quặng sắt bẩn thì chứa nhiều tạp chất như photpho, lưu huỳnh, chì, kẽm, thủy ngân. 

Theo vị chuyên gia này, trên thế giới có nhiều mỏ sắt bẩn với giá thành rẻ, bị một số quốc gia từ chối cho phép nhập về. Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều dự án quốc tế, ông cho biết, nếu như một số nhà máy thép lựa chọn phương án nhập quặng tinh, chi phí đắt hơn nhưng việc xử lý chất thải rẻ hơn thì nhiều nhà máy sản xuất thép lại lựa chọn phương án nhập quặng sắt bẩn sau đó tập trung xử lý chất thải. 

Nếu như Formosa nhập quặng sắt này thì rất nguy hiểm vì hàm lượng tạp chất quá cao, không một hệ thống xử lý nước thải nào có thể xử lý hết được các độc tố. Vì thế, có nguy cơ nước thải bị pha loãng (luật pháp Việt Nam cấm điều này) để đảm bảo hàm lượng các độc tố trong ngưỡng cho phép, được thải ra môi trường. Tuy nhiên, tổng lượng chất độc ra môi trường thì không đổi.

“Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát chặt quặng sắt nhập đầu vào,  nguồn gốc ở đâu, chứa các thành phần nào?”, một chuyên gia cho hay.

Theo ông Trần Công Bút, nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT Phú Thọ, quặng sắt có rất nhiều loại khác nhau. Trước khi nhập về, quặng sắt đã phải qua sơ tuyển nhưng không thể loại bỏ hết tạp chất. Vì thế, cơ quan chức năng phải kiểm toán được thành phần nguyên liệu quặng sắt đầu vào. 

Nếu không nắm được số liệu đầu vào thì không biết được chất thải ra môi trường là gì vì mỗi mỏ sắt có thành phần tạp chất khác nhau, hàm lượng các tạp chất ấy cũng khác nhau. Vì thế, việc giám sát chặt chẽ quặng sắt mà Formosa sử dụng là rất quan trọng, nhất là khi dự án kéo dài tới 70 năm.        

Mỗi năm Formosa được phép xả thải 9,6 tấn phenol và 9,6 tấn xyanua

Tiền Phong từng có bài “Có biệt đãi xả thải cho Formosa” nêu vấn đề, so với quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp, nước thải ngành thép được phép xả thải với hàm lượng xyanua (một trong hai độc tố gây cá chết) cao gấp 5 lần. Các nhà khoa học ước tính, với công suất xả thải 45.000m3 một ngày đêm, và với hàm lượng xyanua, phenol cho phép là 0,585 mg/lít, mỗi năm công ty Formosa được phép xả thải ra môi trường 9,6 tấn phenol và 9,6 tấn xyanua.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp vừa áp dụng QCVN 52 vừa bổ sung một số thông số của QCVN 40 về nước thải công nghiệp thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ với môi trường bởi điều quan trọng nhất để cho phép hàm lượng độc tố trong nước thải bao nhiêu là phải đánh giá sức chịu tải của môi trường.

Quốc hội đang giám sát Formosa

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Quốc hội vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật vê bảo vệ môi trường của Cty Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, đoàn đã đi khảo sát thực tế nhà máy và hệ thống xử lý nước thải, làm việc với lãnh đạo Cty Formosa Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đã đến khảo sát công tác xử lý môi trường tại Nhà máy xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (Hà Nội) đóng tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, cảng Vũng Áng Việt Lào… Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ủy ban KH, CN&MT cho biết, nội dung giám sát là rất rộng, trong đó tập trung vào vào việc chấp hành các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường của Formosa. Căn cứ vào kết quả giám sát, Ủy ban sẽ có báo cáo đánh giá một cách chi tiết, kỹ lưỡng và kiến nghị có những giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường.     

Văn Kiên