> Khởi tố hai “quan” đánh cờ bạc tỉ
> Công chức con bạc
> Quan đánh cờ bạc tỷ: “Nổi tiếng” với các vụ tranh chấp đất
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, khi cán bộ, công chức vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quản lý phải có trách nhiệm làm rõ. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật phải xử lý. Luật Cán bộ công chức, Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã quy định rõ các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức, nếu vi phạm pháp luật thì xử lý hình sự.
Ông Tuấn cho biết, thời gian qua Bộ Nội vụ đã thanh tra công tác quản lý, xây dựng đội ngũ; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. “Việc đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật của công dân, không phải riêng cán bộ, công chức. Quy trình bổ nhiệm không liên quan đến vi phạm của họ. Một người có thể hôm nay rất tốt và được bổ nhiệm vào vị trí nào đấy, nhưng đến thời điểm nào đó không tu dưỡng, rèn luyện mà vi phạm thì phải bị xử lý”- ông Tuấn nói.
Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình nói thêm: “Bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức vượt lên khó khăn, hoàn thành công việc trong điều kiện đồng lương eo hẹp, sức ép công việc, cũng có một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá biến chất. Điều đó chúng ta rất đau lòng”. Những quy định về xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã được ban hành và phải thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan có trách nhiệm đã xem xét xử lý nghiêm.
“Những vụ việc xảy ra gần đây thì cần có thời gian để các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo trình tự. Việc kết luận và giải quyết thuộc trách nhiệm của cơ quản quản lý cán bộ công chức ở địa phương. Về phía Bộ Nội vụ, chúng tôi sẽ xem xét, theo dõi để bảo đảm những quy định pháp luật được thực hiện nghiêm”- ông Bình nói.
Trần Văn Tân (quan chức trong vụ đánh cờ bạc tỷ).
Về vấn đề đạo đức công vụ, ông Bình cho biết, các luật liên quan đã quy định rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đảng cũng đã có quy định những vấn đề đảng viên không được làm. Quyết tâm chính trị, hệ thống pháp lý của chúng ta đã được ban hành đầy đủ để xem xét, xử lý cán bộ vi phạm.
Tuy nhiên, giữa quy phạm pháp luật và đạo đức công vụ có sự khác nhau. Khi nói đến phạm trù đạo đức, phải xây dựng văn hoá công sở, chế tài và đạo đức cần song hành để đảm bảo cán bộ, công chức hoạt động tốt chức trách được giao.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, trong quý I-2012, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án về quy trình từ chức và văn hóa từ chức. Trong đó, sẽ có 2 khía cạnh về chế định và văn hoá từ chức. Xác định việc cán bộ từ chức là bình thường nếu cán bộ đó thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cán bộ từ chức vẫn có cơ hội được giao nhiệm vụ tương xứng nếu trong tương lai họ rèn luyện, tu dưỡng và đáp ứng được yêu cầu của cơ quan. “Tôi nghĩ những người từ chức đáng được trân trọng”- ông Tuấn nói.
Năm 2012, chỉ tăng 1.449 biên chế công chức
Về Kế hoạch biên chế công chức năm 2012 đối với các bộ, ngành và địa phương, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, đã trình Thủ tướng. Theo đó, năm 2012 cả nước chỉ tăng 1.449 người. Trong đó, các cơ quan T.Ư chỉ tăng 39 người. Muốn tăng biên chế phải có đề án xác định vị trí việc làm đúng, đủ.
Việc tổ chức biên chế rất chặt chẽ chứ không có chuyện “chạy” biên chế. Về việc thực hiện cải cách hành chính nhưng biên chế vẫn tăng, theo Bộ Nội vụ do cơ cấu biên chế, nhu cầu quản lý, một số lĩnh vực mới cần tăng cường quản lý như môi trường, biển đảo, tôn giáo, dân số; thành lập mới, nâng cấp các đơn vị hành chính...