Nhận tiền rồi "lo" được việc
Anh A.N (SN 1992, trú tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk), trình bày: tháng 3/2018 ông Phạm Văn Tốt (SN 1975, giám đốc Cty TNHH DVTM Hướng nghiệp Quốc tế (viết tắt là Cty Hướng Nghiệp), địa chỉ số 200, đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột) hứa sẽ lo cho vợ anh thi đậu viên chức ngành giáo viên tại huyện Krông Pắk với “giá” 150 triệu đồng.
“Tin tưởng ông này nhiều mối quan hệ rộng và có khả năng xin việc, nên vợ chồng tôi đồng ý đưa tiền để ông Tốt đi lo việc, với chi phí 150 triệu và nhận trong 2 đợt. Đợt đầu đưa trước số tiền 90 triệu (nhận trong 2 lần, một lần 50 triệu, 1 lần 40 triệu). Số còn lại sẽ đưa khi vợ tôi được đi làm” - anh A.N kể.
Các giấy tờ thể hiện, ông Tốt đã ký với vợ anh A.N hợp đồng nhận “lo” việc "giá" 150 triệu đồng và đều được ký biên nhận giữa các bên. Ông Tốt cam kết, không xin được việc sẽ trả tiền. Thời gian thực hiện xin việc từ ngày 30/4/2018 đến ngày 30/8/2018. Sau khi đạt “thỏa thuận” - vợ A.N đã đưa trước số tiền 90 triệu đồng cho ông Tốt và được nhận trong 2 lần.
“Vợ tôi thi không đậu, ông Tốt cũng không trả lại tiền. Tôi lên công ty ở số 200 - Phan Chu Trinh để “xin” lại tiền, ông này vẫn cứ hẹn lần này lượt khác, đến nay thì không chịu trả” - anh A.N bức xúc, trình bày.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tốt thừa nhận có lập đồng lo thi viên chức giáo viên cho vợ của A.N, đồng thời hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. "Trong quá trình thi cử có rủi ro, và chúng tôi thống nhất sẽ trả tiền trong nhiều đợt" - ông Tốt cho biết.
Lập hợp đồng vi phạm pháp luật
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 12/10/2012 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Cty TNHH MTV cho công ty TNHH DVTM Hướng nghiệp Quốc tế, do ông Phạm Văn Tốt làm giám đốc. Các lĩnh vực kinh doanh gồm: cung ứng lao động tạm thời; giới thiệu, môi giới lao động, việc làm; cung ứng và quản lý nguồn lao động; dịch vụ hỗ trợ giáo dục… Bên ngoài bảng hiệu của công ty này ghi: Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm; tư vấn hướng dẫn học tập ngành nghề phù hợp với cá nhân và nhà tuyển dụng.
Ông Lê Hạnh - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động (thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk) khẳng định, hiện Sở đang quản lý và cấp phép hoạt động cho 5 đơn vị liên quan đến tư vấn và việc làm, nhưng chưa cấp phép hoạt động cho Cty Hướng Nghiệp.
“Chỉ cần đọc nội dung Hợp đồng thỏa thuận của công ty này với người dân là có vấn đề rồi. Công ty chỉ căn cứ vào bộ luật Dân sự năm 2005, 2015; luật Thương mại… nhưng lại không căn cứ vào giấy phép hoạt động được cấp. Việc một Trung tâm nhận 150 triệu đồng để lo thi viên chức cũng sai, đây là số tiền quá lớn so với quy định. Trong khi theo quy định, chi phí mô giới việc làm chỉ vài ba triệu là hết. Hợp đồng do công ty này soạn đã sai luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật rất rõ” - ông Hạnh nói.