Ngày 9/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hôm nay Bộ Nội vụ sẽ thẩm định hết 5 tỉnh cuối cùng trước khi trình Chính phủ.
Theo tính toán trong giai đoạn 2019 – 2021, có 45 tỉnh, thành phố thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã. Điển hình, tại Bắc Giang đã giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã, từ 230 giảm xuống còn 209 đơn vị sau sắp xếp. Hay tại tỉnh Hà Tĩnh, sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn Lộc Hà, số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giảm tới 46 đơn vị, từ 262 giảm xuống còn 216 đơn vị. Tương tự, tại tỉnh Lạng Sơn, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã cũng giảm từ 226 xuống còn 200 đơn vị (giảm 26 đơn vị).
Tuy nhiên, đối với nhiều ĐVHC đề xuất chưa sắp xếp trong giai đoạn này, qua nghiên cứu các đề án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một số địa phương đưa ra những lý giải chưa thuyết phục. Trong đó, tỉnh Bắc Giang còn 15 ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; hay tỉnh Hà Tĩnh còn 17 ĐVHC cấp xã…
Về tinh giản bộ máy, theo tính toán của ông Tuấn, kết thúc đợt sáp nhập này, đến trước năm 2022 sẽ giảm được khoảng gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư là vấn đề khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã. Bởi khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, phải thay đổi vị trí công tác, có trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải tiến hành và giải quyết làm sao cho thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng.
“Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ giúp cho tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm được số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã, giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước. Nhưng trong sắp xếp, số cán bộ, công chức dôi dư cũng phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng, thông qua việc xem xét tuyển chọn, bố trí những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí còn thiếu ở các đơn vị hành chính khác, ở các sở ngành, hoặc giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác khác.
Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập, cán bộ, công chức ở các huyện, xã sáp nhập đều tâm tư khi thực hiện sáp nhập. Trước những băn khoăn của cán bộ công chức, ông Trần Anh Tuấn khẳng định, không ai bị “mất ghế” sau sắp xếp cả.
“Tư duy mất ghế bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì chúng ta không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác. Còn lo ngại mất vị trí, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng không có. Bởi khi sáp nhập, mỗi đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng ĐVHC theo đúng quy định, số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, giải quyết phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.
Điểm đáng lưu ý khác tại buổi làm việc mới đây nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương để kịp thời tháo gỡ, sớm ổn định tình hình các địa phương trong diện sắp xếp. Đồng thời cần chú ý đến việc giải quyết cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Về việc này, Thứ trưởng Tuấn cho biết, trong mỗi đề án đều nhấn mạnh đến yêu cầu này. Trong đó, khi sáp nhập, hình thành các đơn vị hành chính mới dù là cấp huyện, hay cấp xã đều không có địa phương nào xây dựng thêm trụ sở mới, mà đều sử dụng các trụ sở đã có sẵn để làm việc, còn các trụ sở khác không dùng đến thì thực hiện việc xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đặc biệt, việc sắp xếp các ĐVHC đều có các giải pháp không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không làm khó khăn cho người dân trong vấn đề thực hiện các nhu cầu của mình.