Biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Hà Tĩnh. Cuối năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Thiên Cầm.
Tuy nhiên, hơn chục năm qua, nơi đây không có nhiều sự thay đổi về hạ tầng, các loại hình du lịch để níu chân du khách. Thay vào đó là hình ảnh nhếch nhác của 46 ki-ốt cho thuê kinh doanh ăn uống chắn lối ra biển.
Đầu tháng 9, UBND huyện Cẩm Xuyên họp bàn với chủ các ki-ốt tại biển Thiên Cầm, đưa ra phương án giải tỏa, di dời để trả lại mặt bằng, cảnh quan vốn có cho khu du lịch. Việc giải tỏa đã được người dân đồng thuận điều khiến họ lo lắng, trăn trở nhất là chưa nhận được mặt bằng mới để tái kinh doanh khi ki-ốt bị giải tỏa.
Hơn 20 năm gắn bó với kinh doanh ăn uống tại khu du lịch biển Thiên Cầm, bà Võ Thị Oanh (64 tuổi, chủ nhà hàng bà Oanh) cho biết: “Phải giải tỏa, di dời để trả lại mặt bằng ven biển, chúng tôi khá tiếc nuối nhưng đồng thuận với mục tiêu chung. Điều trăn trở nhất là giải tỏa xong, người dân có vị trí nào để tiếp tục kinh doanh, gắn bó với nghề”.
Năm 1993, bà Oanh cùng nhiều người dân ra vùng đê biển Thiên Cầm kinh doanh ăn uống. Đến năm 2015, địa phương xây dựng các ki-ốt cùng mẫu và cho người dân thuê lại. Các ki-ốt rộng gần 40m2, thời hạn thuê trong 10 năm với giá 130-150 triệu đồng/ki-ốt. 8 năm qua, chủ các nhà hàng sửa sang, nới rộng bằng tôn, rèm tạm bợ xung quanh ki-ốt để kinh doanh.
Tuy nhiên, trải qua 2 năm sự cố môi trường biển, 2 năm đại dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh ngưng trệ. Ngoài ra, việc hoạt động chủ yếu vào 3 tháng mùa hè khi khách du lịch đổ về đông đúc, còn về mùa đông phải dừng hoạt động nên nhiều chủ nhà hàng còn khó khăn.
Kế bên, ông Nguyễn Văn Thành (54 tuổi, chủ nhà hàng Xuân Thành) cũng lo lắng với việc sắp bị giải tỏa song chưa được chỉ định vị trí mới để tái hoạt động. “Hàng chục năm gắn bó với việc kinh doanh tại đây, cả gia đình và nhiều nhân công đều trông cậy vào nhà hàng hải sản này. Nếu giải tỏa mà không có chỗ mới để tiếp tục công việc thì không biết làm gì để sống”, ông Thành bày tỏ.
Chủ các ki-ốt kinh doanh ăn uống tại bãi biển Thiên Cầm mong ngành chức năng sớm có phương án để người kinh doanh bị giải tỏa có được vị trí duy trì sinh kế.
Đại diện Ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm cho biết: “Khu du lịch có khoảng 60 nhà hàng kinh doanh ẩm thực, hải sản, trong đó diện giải tỏa có 46 ki-ốt nằm ven đê, chắn lối xuống biển. Hiện, còn một số nhà hàng còn thời hạn hợp đồng song chính quyền địa phương đã họp, thống nhất các khoản bồi thường, hỗ trợ phù hợp để việc giải tỏa sớm được thực hiện.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho hay, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt 2 vị trí khu đất ở phía nam Thiên Cầm (cách vị trí cũ hơn 200m) để các hộ kinh doanh chuyển đến. Vị trí được chọn có quy hoạch rộng rãi, phù hợp quy hoạch về hình thành khu ẩm thực, hải sản và phố đi bộ phục vụ du khách.
“Trong tháng 9, việc giải tỏa sẽ thực hiện nhằm mở rộng tuyến đường ven biển, tạo hành lang thông thoáng, cảnh quan vốn có cho khu du lịch biển. Tuy nhiên, việc giải tỏa cần đảm bảo sinh kế cho người dân với một vị trí mới phù hợp”, ông Thắng nói.