Giải pháp môi trường của ông giáo 83 tuổi nhất cuộc thi Sáng chế 2018
TPO - Sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ; đồng thời sử dụng các chủng vi sinh vật tuyển chọn trong đất để nhân giống, lên men sản xuất chế phẩm vi sinh. Đó là giải pháp môi trường của ông Trần Kim Quy (83 tuổi, nguyên giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) đạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế 2018.
Ông Trần Kim Quy (thứ hai từ phải sang) 83 tuổi, nguyên giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.
Tối 25/4, tại Hà Nội, diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi Sáng chế 2018. Cuộc thi Sáng chế được Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, sau ba năm tổ chức, Giải thưởng lan tỏa tinh thần sáng tạo tới nhiều thành phần kinh tế trong xã hội, nhận được sự quan tâm của cộng đồng từ nhà khoa học đến người dân.
Chuyên gia cao cấp WIPO Jaewon Bahn cho biết Cuộc thi là hoạt động được WIPO, KIPO phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia tổ chức nhằm thúc đẩy việc tạo ra các giải pháp kỹ thuật hữu ích phục vụ cuộc sống của cộng đồng. Đến nay, cuộc thi đã được tổ chức tại 12 nước trên thế giới và tại Việt Nam.
Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho giải pháp “quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Quy ((83 tuổi, nguyên giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM). Tác giả đã sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh đều được phân lập tuyển chọn trong đất. Các loại hóa chất, vật tư khác đều có sẵn trong nước.
Giải nhì được trao cho giải pháp "Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá học liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đổ giảm lũ quét và bùn đá" của Nguyễn Ngọc Quỳnh và các đồng tác giả tại Hà Nội giúp xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển hạn chế xói lở bờ, công trình giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ ống, lũ quét, bùn đá tại khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở cao
Giải Ba được trao cho giải pháp “Phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp Fullerene” của tác giả Trịnh Đình Năng (Vĩnh Phúc). Giải pháp sáng chế này tận dụng các loại chất thải nông nghiệp có hàm lượng carbon cao như vỏ trấu, sọ dừa, vỏ tơ của hạt cà phê, lông vũ, cùi ngô... là những nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền để tổng hợp ra sản phẩm hỗn hợp fullerene - vật liệu phục vụ cho nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao như: vật liệu, điện tử
Bên cạnh đó, ban tổ chức trao 7 giải Khuyến khích cho các giải pháp: Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp; Hệ thống thu thập, quản lý thông tin bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh; Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháp hiệu, cảnh báo cho các đoạn đường ngập; Thiết bị phát sáng đeo tay và phương pháp điều khiển; Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển; Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tưới cho cây; Đập mở chặn thủy triều và giữ nước sông.