Giai điệu Tự hào góp tiếng hát hòa giải dân tộc

TP - Giai điệu Tự hào sau gần nửa năm im hơi lặng tiếng tái xuất với ê-kip mới và một số thay đổi về định dạng và nội dung.
Họp báo đánh dấu sự trở lại của Giai điệu Tự hào, sẽ lên sóng tối thứ Bảy cuối cùng hàng tháng trên VTV1. Ảnh: BTC.

 Theo MC Diễm Quỳnh, chủ đề Giai điệu Tự hào bản mới sẽ được bố trí theo hai trục. Một là tôn vinh theo nhóm, chẳng hạn đôi bạn Văn Cao- Phạm Duy (lên sóng 28/5), nhóm các nhạc sĩ chiến trường B, bộ tứ Sông Hồng, nhóm Những Người Bạn… Trục thứ hai chọn ca khúc theo các từ khóa cảm xúc, ví dụ “thư tình, “trang nhật ký”, “ngày hôm qua”… 

Nhạc sĩ Thanh Phương tiếp tục vai trò đạo diễn âm nhạc và phối khí. Anh tâm sự sau hai năm đồng hành Giai điệu Tự hào đã nổi tiếng và được tín nhiệm đến mức UBND phường anh ở tới nhờ anh làm nhạc cho ngày bầu cử. Anh cũng tự hào góp phần làm sống lại các bài hát tưởng đã bị quên lãng khi nhiều người đã đến xin anh bản phối mới để hát. 

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha - cố vấn Giai điệu Tự hào từ số đầu tiên cũng được giữ lại. Hai chục năm trước, ông cũng là một trong những người đưa ý tưởng và thực hiện chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam gây tiếng vang. 

“Sau đó, tôi hoang mang chưa biết tìm cách nào tiếp tục đưa các bài hát cũ ra công chúng thì Giai điệu Tự hào xuất hiện. Anh Trần Bình Minh (Tổng giám đốc VTV) nói với tôi: “Khi mua format chương trình này, người đầu tiên em nghĩ tới là anh”. Vì câu nói đó tôi sẽ đi với Giai điệu Tự hào đến cùng!”.

Đặc biệt ê-kip mới sẽ làm tiếp những gì đã được những người đi trước lên ý tưởng. Đó là âm nhạc của các nhạc sĩ một thời được coi là bên kia chiến tuyến, sẽ được đưa vào chương trình. Nhạc sĩ Thụy Kha nói: “Còn bao nhiêu giai điệu Việt Nam từng ở khu vực bên kia chiến tuyến cũng đong đầy tình cảm quê hương gia đình, cũng là tâm tư của những người con Việt không thể vứt bỏ đi”.

 Bước sang tuổi 70, Thụy Kha tự hào trí nhớ tốt trong lĩnh vực lịch sử âm nhạc. Ông tâm sự: “Có lẽ các ông Văn Cao, Văn Chung… bắt tôi phải nhớ để tiếp tục nói rằng chúng ta có một nền âm nhạc để thế giới nhìn vào thấy sự khác biệt”. Ông cũng mong muốn qua Giai điệu Tự hào, kho tàng nhạc Việt không chỉ đến với kiều bào mà cả bạn bè quốc tế.