Tất cả đã không còn gì nữa. Dòng sông Đáy, con đường làng, những ngôi nhà và những người thân đã biến mất. Quanh tôi là một miền đất hoang vu đầy những tảng đá lớn nhỏ chạy triền miên như đến tận chân trời. Tôi bàng hoàng đau đớn. Tại sao tất cả lại biến mất không đợi tôi trở về? Tại sao tôi lại có thể bỏ cố hương đi từng ấy năm?
Tại sao đã từng ấy năm trôi đi mà tôi lại đinh ninh nghĩ rằng tôi vừa mới rời xa cố hương mấy tháng. Tôi đi lang thang trên sa mạc đá. Tôi nhận ra những tảng đá khổng lồ giống những ngôi nhà của làng tôi. Hình như đó là những ngôi nhà đã hoá đá chứ không phải những tảng đá bình thường.
Đúng vậy, tất cả không mất đi. Đến lúc này tôi mới nhận ra tất cả vẫn như xưa nhưng đã biến thành đá. Dòng sông đá vẫn chảy và những con cá đá vẫn bơi. Bến sông con thuyền đá vẫn chống sào đợi khách. Cánh đồng đá vẫn những con trâu đá kéo cày. Vẫn những người nông dân đá cúi mặt trên cánh đồng cấy lúa. Những con chó đá vẫn ngửa mặt sủa trăng. Tất cả đã hóa đá từ khi nào và sao tất cả vẫn đói nghèo đau khổ thế kia?
Mặt trời đang chìm xuống. Mặt trời thì vẫn vậy. Hoàng hôn bắt đầu đổ xuống. Những ngôi sao đã hiện lên. Tôi ngước nhìn những ngôi sao và nhận thấy chúng sà xuống quá thấp ngay phía trên đầu tôi. Tôi giơ tay về phía những ngôi sao. Năm đầu ngón tay tôi được ánh sáng một ngôi sao gần đó toả sáng. Bóng đêm đã trùm phủ khắp nơi.
Và gió thổi bất tận. Tôi chưa bao giờ thấy một đêm nhiều gió như vậy. Tôi ngồi xuống một tảng đá nhỏ và cúi đầu đau khổ. Tôi biết đi đâu bây giờ. Tôi chợt ngửa mặt kêu lên: Sao không còn ai ở đây thế này?
Tôi nghe có tiếng động sau tôi. Một âm thanh giống tiếng chìa khoá tra vào ổ khoá. Và tiếng rít lên khe khẽ của một cánh cửa có những bản lề đã gỉ. Tôi vội quay lại. Tảng đá khổng lồ giống ngôi nhà của tôi xưa từ từ hé mở và một người đàn bà bước ra. Đấy là một bà già, tóc trắng phau, da đồi mồi, nhưng đôi mắt thì lại quá trẻ. Tôi nhìn vào đôi mắt ấy và thấy một cái gì đó vô cùng thân thuộc và yêu thương. Bà mở to đôi mắt kinh ngạc nhìn tôi. Và bất chợt bà khóc. Một lúc sau, bà hỏi tôi trong thổn thức:
- Sao đến bây giờ anh mới về ?
- Bà là ai? Tôi ngơ ngác hỏi.
- Em đây - Bà vẫn nức nở - Trang đây.
Tôi kinh hoàng khi nghe vậy. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi bà già đứng trước mặt và gọi tôi lại chính là vợ tôi. Như hiểu được ý nghĩ của tôi, vợ tôi nói:
- Anh xa nhà đã một triệu năm rồi.
- Một triệu năm thật ư? Tôi hỏi lại như mê sảng.
- Một triệu năm. Em và các con đợi anh mãi.
Rồi các con tôi cũng từ ngôi nhà đó bước ra. Tôi không làm sao nhận ra con gái tôi ngoài đôi mắt và giọng nói của con tôi. Khi tôi đi, con gái tôi mười tuổi. Trong chiếc vali của tôi lúc này vẫn có một con búp bê tôi mua cho con tôi. Tôi đâu có ngờ món quà ấy tôi đã mua từ một triệu năm trước đó.
Tôi không biết nói gì về sự trở về quá muộn mằn của tôi. Tôi cũng không hiểu được vì sao. Tôi vẫn gặp lại tất cả. Nhưng tất cả đã khác ngày tôi đi. Vợ tôi có còn đợi tôi về và thì thầm “em nhớ anh” nữa không? Con gái tôi có còn ríu rít hỏi “Búp bê của con đâu?”. Con trai tôi có còn bước vội ra xách vali cho tôi nữa không? Tất cả đang đứng trước tôi đây. Nhưng tất cả đang nhìn tôi xa lạ.
Đêm ấy, tôi ngủ trong ngôi nhà đã hóa đá của tôi. Nhưng tôi không thể nào nâng được chiếc chăn trên giường vợ chồng tôi vì nó đã hoá đá. Tôi cầm tay vợ tôi và kéo ngồi xuống mép giường. Khi tôi định cúi xuống hôn vợ tôi thì vợ tôi vội đứng dậy và lùi lại. Nàng khóc. Nàng không thể ân ái với tôi được nữa. Nàng đã hơn tôi gần một triệu tuổi. Tôi kinh hãi và đau đớn kêu lên.
Tôi tỉnh giấc. Người tôi đầm đìa mồ hôi. Tôi bàng hoàng ngồi mãi trên giường. Một lúc sau tôi mới nhận ra tôi vừa qua một giấc mộng. Giấc mộng ấy diễn ra trong bao lâu ? Tôi nghĩ chỉ chừng dăm phút. Có thể chỉ là một phút. Và có thể ít hơn nữa. Giấc mộng đã cho tôi được sống khoảng thời gian bằng hàng vạn kiếp của tôi.
Ôi, đôi khi chỉ một giấc mộng mà người ta đã sống qua cả triệu năm. Hình như, đến một tuổi nào thì người ta mới có nỗi nhớ cố hương như thế và mới có những giấc mộng như thế. Tôi nhớ hai câu thơ của một nhà thơ Hàn Quốc tôi đã dịch: Cố hương là nơi ngươi không thể rời xa/ Cố hương là nơi ngươi không thể trở về.
Tôi thường có dịp đi xa. Và những ngày sống xa nhà tôi thường thức giấc trong đêm. Ngay trong một khách sạn năm sao ở Brisbane nước Úc bất chợt tôi thấy sực mùi rơm mốc trong mưa. Tôi đã đến cái tuổi không thể nào sống xa cố hương mình cả đời được nữa. Năm 1992, trong chuyến sang úc đầu tiên theo lời mời của Bộ Ngoại giao và Thương mại úc, một người bạn đã khuyên tôi ở lại.
Lúc đó tôi ba mươi sáu tuổi. Nhưng tôi đã không thể ở lại. Tôi không thể sống xa mảnh đất này được nữa rồi. Việc quyết định không ở lại của tôi không hề có vấn đề chính trị gì. Đó chỉ là con người tôi không thể tách rời những gì tôi đã sống cùng suốt mấy chục năm từ thuở tôi sinh ra.
Tôi may mắn không phải sống lưu vong mặc dù trên xứ sở của mình đôi lúc tôi vẫn phải chứng kiến những chuyện buồn đau và không phải không có một lúc nào đó tôi muốn ra đi. Nhưng phải rời bỏ cố hương là một điều bất hạnh. Đôi khi, đối với một số người, nó giống như cái chết.