Giấc mơ không thành của Liên Xô về siêu tàu sân bay

TPO - Vào cuối Chiến tranh Lạnh, quân đội Liên Xô đã ấp ủ một kế hoạch vô cùng tham vọng để trở thành hải quân biển xa (blue navy). Sự sụp đổ năm 1991 đã khép lại chương đó trong lịch sử quân sự Liên Xô, nhưng tham vọng này được cho là vẫn tồn tại trong ý thức của giới tướng lĩnh Nga.
Dự án Siêu tàu sân bay Ulyanovsk

Vào cuối những năm 1960, ngành công nghiệp đóng tàu Liên Xô bắt đầu phát triển tàu tuần dương chở máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên. Dự án 1160 Orel (“Đại bàng”) là một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với lượng choán nước khoảng 80.000 tấn. Orel sẽ có máy phóng máy bay vận hành bằng hơi nước, có thể chở tới 70 máy bay.

Phù hợp với khái niệm của Liên Xô về “tàu tuần dương hàng không hạng nặng”, siêu tàu sân bay được đề xuất này sẽ khác với các đối thủ phương Tây ở kho vũ khí mạnh mẽ gồm 16 tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit. Đến đầu những năm 1970, dự án bị bỏ dở do lo ngại về chi phí và được thay thế bởi dự án các tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường lớp Kiev nhỏ hơn và ít tham vọng hơn.

Nhưng Điện Kremlin không nản lòng với giấc mơ tàu sân bay hạt nhân của mình. Kinh nghiệm thiết kế từ Dự án 1160 đã dẫn đến một dự án tàu sân bay mới, giữa những năm 1980: chiếc Ulyanovsk nổi tiếng.

Nhưng theo National Interest, tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi trọng tâm: Tại sao Liên Xô cần tàu sân bay ngay từ đầu? Là một cường quốc về hàng hải quân, Mỹ dựa vào nhóm tấn công tàu sân bay (CSG) như một trong những công cụ thi triển sức mạnh cốt lõi của mình. Ngược lại, Liên Xô, giống như tiền nhiệm là Đế quốc Nga, là một cường quốc trên bộ phụ thuộc vào lực lượng mặt đất để đảm bảo an ninh trên biên giới Á-Âu rộng lớn của mình.

Nhưng có một số yếu tố liên quan cụ thể đối với sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh. Theo Giáo sư James R. Holmes (Trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ), Liên Xô đã tìm kiếm các hạm đội tàu sân bay để tạo ra “vành đai phòng thủ xanh” —một loại vùng đệm ngoài khơi hoạt động song song với hệ thống phòng thủ trên bộ và trên không để ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm tàu sân bay tấn công của NATO thâm nhập các vùng biển của Liên Xô.

Hải quân Liên Xô cũng có thể sử dụng các phi đội máy bay trên tàu để bảo đảm khu vực tuần tra cho các tàu ngầm chiến lược của mình, một nhánh quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Liên Xô. Sau đó còn là vấn đề uy tín quốc tế: cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh không chỉ là về vẻ bề ngoài mà còn về khả năng cụ thể, và Liên Xô không muốn tụt hậu rõ ràng so với phương Tây về tiêu chí cốt lõi của sức mạnh hải quân.

Siêu tàu sân bay Ulyanovsk vì thế được thiết kế với một loạt các tính năng tiên tiến. Con tàu được trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3, có tốc độ lên đến 30 hải lý / giờ, có thủy thủ đoàn khổng lồ gồm 3.400 người.

Với lượng choán nước 85.000 tấn và chiều dài hơn 300 mét, Ulyanovsk có thể chở tới 70 máy bay, chủ yếu là sự kết hợp của máy bay chiến đấu Su-33 và MiG-29K. Tàu sân bay này có một lượng vũ khí ấn tượng, bao gồm tên lửa diệt hạm khổng lồ P-700 và hệ thống tên lửa đất đối không.

Ulyanovsk là một dự án lớn, nếu được hoàn thành và đưa vào vận hành thành công, nó sẽ giúp nâng cao khả năng phát triển sức mạnh hàng hải của Liên Xô ở mức nhảy vọt. Nhưng thực tế đã không xảy ra: vào thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ulyanovsk mới chỉ hoàn thành khoảng 40% khối lượng công việc. Khi Hải quân Nga tiếp quản di sản hải quân của Liên Xô trong suốt những năm 1990, Moscow thiếu nguồn tài chính và chuỗi cung ứng cần thiết để tiếp tục với dự án chế tạo siêu tàu sân bay.

Tàu Ulyanovsk bị loại bỏ vào cuối năm 1992, nhưng tham vọng tàu sân bay hạt nhân của Nga đã tồn tại lâu hơn ngay cả khi Liên Xô sụp đổ. Theo các báo cáo gần đây, Điện Kremlin đang cân nhắc đề xuất cho một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mới, nặng 100.000 tấn có tên Dự án 23000E “Shtorm”. Tính đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án đã được thông qua.