Giá tăng kỷ lục, người dân quê vẫn tưng bừng đụng lợn đón Tết

TPO - Những ngày cận Tết, người dân ở nhiều vùng quê nô nức mổ lợn để đón Tết, dù giá thịt lợn đắt đỏ. Những người làm dịch vụ mổ lợn và làm giò thuê cũng “hốt bạc” vào những ngày này.
Người dân tưng bừng mổ lợn đón Tết

Đụng lợn rôm rả khắp làng

Những ngày giáp Tết, khắp làng trên ngõ dưới ở nhiều vùng quê lại nhộn nhịp hẳn lên, bởi không khí tưng bừng đụng lợn Tết (nhiều gia đình chung nhau mổ một con lợn để ăn Tết – PV).

Trưa ngày 29 Tết âm lịch, nhà anh Nguyễn Ngọc Điệp ở thôn Dương Huy, xã Trung Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) rôm rả tiếng nói cười. Gia đình anh cùng 5 gia đình khác chung nhau mổ lợn để chuẩn bị ăn Tết. Vội quệt những giọt mồ hồi trên má, anh chia sẻ, ở làng quê anh vào những ngày cận Tết thường có tục ăn đụng thịt lợn. Để có lợn mổ đúng dịp Tết, từ đầu năm, anh mua lợn con về tự nuôi. Hằng ngày, anh nấu cám (gồm các loại rau, cơm muội, cám sát từ gạo) cho lợn ăn.

Người dân tưng bằng mổ lợn đón Tết

Đến dịp Tết, anh và một số gia đình rủ chung nhau mổ con lợn nhà anh, rồi chia nhau. “Năm nay thịt lợn tăng giá kỷ lục, nhưng người dân trong làng và xã vẫn háo hức tổ chức ăn đụng thịt lợn. Con lợn nhà tôi gần 1 tạ, tính ra mỗi nhà có gần 20 cân thịt lợn ăn Tết”, anh Điệp chia sẻ.

Không chỉ nhà anh Điệp, khu vực anh sinh sống có hàng chục gia đình cũng đụng lợn. Nếu tính cả thôn anh có vài trăm gia đình, có đến 1/3 số hộ tổ chức mổ lợn chung.

Mờ sáng ngày 30 Tết, nhà anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng rộn ràng mổ lợn. Con lợn anh nuôi được gần 1 năm, đạt cân nặng 1, 4 tạ. Anh và 6 gia đình khác cùng chung con lợn này. Mỗi người mỗi việc, người thì đun nước, người chuẩn bị dao thớt, một vài chị em bận rộn lau lá chuối để bó giò làm cho không khí ngày Tết càng thêm phấn khởi.

Anh Nguyên Văn Nam (bên phải) cùng một số gia đình đụng lợn

Theo anh Nam, nhiều nhà đụng lợn chịu “chơi” khi mua hàng chục cân giữa lúc giá cả đắt đỏ. “Có nhà nhận tới 30 cân thịt lợn. Với giá thịt lợn ở địa phương là 110.000 đồng/kg, nhà ăn nhiều nhất cũng lên đến hơn 3 triệu đồng “, anh Nam cho biết.

Cũng theo Nam, năm nay giá thịt lợn tăng cao, nhưng người dân trong làng và xã vẫn nô nức mổ lợn. Anh nhẩm tính, cả thôn anh có hơn 400 gia đình, có gần một nửa số hộ tổ chức đụng lợn, số lượng không giảm so với các năm trước. “Đụng thịt lợn là một nét truyền thông ở nhiều vùng quê. Mổ lợn xong, chúng tôi tổ chức làm giò và chia các bộ phận của con lợn cho các gia đình ăn Tết. Lợn ăn đụng do người dân tự nuôi, không cho ăn cám tăng trọng và chất tạo nạc nên đảm bảo chất lượng”, anh Nam cho hay.

“Hốt" bạc từ mổ lợn thuê và làm giò ngày Tết

Theo nhiều người dân chia sẻ, việc đụng thịt lợn quan trọng nhất là làm giò để các gia đình chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể tự làm. Người dân thường thuê thợ để mổ lợn và làm giò nên cánh thợ thịt lớn và làm giò đông khách và rủng rỉnh tiền dịp Tết.

Từ ngày 28 Tết âm lịch, anh Nguyễn Văn Lại, một thợ thịt lợn ở thôn Đông Lỗ, xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) luôn bận rộn với công việc làm giò phục vụ người dân ăn Tết. Thậm chí, có ngày ăn làm thâu đêm. “Mấy ngày nay, người dân đụng lợn nhiều nên tôi phải thuê thêm người làm giúp”, anh Lại nói.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lại phải thuê thêm người làm giò

Anh Lại nhẩm tính, mỗi cân giò làm thuê, anh lấy 20 nghìn đồng tiền công. Vào ngày cao điểm, anh làm hơn 200 cái giò thuê từ những người ăn đụng thịt lợn ở trong xã, tính ra, anh cũng thu về 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn làm hàng trăm cái giò bán Tết. Tổng thu nhập dịp Tết, gia đình anh kiếm được hàng chục triệu đồng/ngày.

Cùng với việc làm giò, việc mổ lợn thuê cũng nở rộ dịp Tết. Anh Nguyễn Văn Đông, một thợ thịt bán chuyên cũng ở thôn Đông Lỗ tất bật cả ngày với công việc mổ lợn thuê cho những gia đình ăn đụng thịt lợn ở trong xã và huyện.

Anh Đông thu về hàng chục triệu đồng/ngày từ việc mổ lợn thuê dịp Tết

Anh Đông cho hay, từ ngày 29 Tết âm lịch, người dân bắt đầu mổ lợn. Hai bố con anh làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi ngày, anh nhận mổ lợn thuê hàng chục con. Việc nhiều đến mức, hai bố con anh làm không xuể.

Theo anh Đông, mấy ngày giáp Tết là thời điểm “vàng” để những người mổ lợn thuê kiếm ăn. “Mỗi cân lợn mổ thuê, tôi thu 10.000 đồng tiền công. Trung bình mỗi ngày, tôi mổ hơn chục con lợn với tổng cân nặng hơn 1 tấn. Tính ra, tôi thu về hơn chục triệu đồng/ngày. Trong xã, không chỉ riêng tôi mà gần chục người khác cũng đi mổ lợn thuê dịp Tết”, anh Đông chia sẻ.