Gia tăng học sinh dùng thuốc lá điện tử

TP - Số người hút thuốc lá điện tử đang gia tăng, nhất là với học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở. Các chuyên gia cảnh báo, nếu dùng thuốc lá điện tử lâu dài sẽ đối mặt nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phổi, ung thư…

Nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế cho thấy, tại Hà Nội, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8-12 là 8,35%, lớp 10-12 là 12,6%, trong đó nữ là 4,8%, nam là 12,4%.

“Sản phẩm này mới chỉ là nhập lậu mà tỷ lệ người hút thuốc lá đã tăng lên, đặc biệt là ở phụ nữ. Nếu chúng ta cho sản phẩm này vào thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ tăng trở lại, phá bỏ nỗ lực 10 năm mới giảm được 2,3% tỷ lệ sử dụng thuốc lá”, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, nói.

Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của WHO, cho biết, một số công ty thuốc lá điện tử đang cung cấp học bổng cho sinh viên, yêu cầu họ viết bài luận về các chủ đề như liệu việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể mang lại lợi ích tiềm năng hay không. Các công ty thuốc lá điện tử thường tích cực quảng bá sản phẩm trên phương tiện truyền thông xã hội hướng đến giới trẻ, sử dụng hương vị trong sản phẩm để thu hút thanh thiếu niên, thường xuyên tài trợ cho các lễ hội, sự kiện âm nhạc…

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) do Vụ Pháp chế tổ chức sáng 8/4.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam, nói: “Nicotine sử dụng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em. Khi sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, hệ hô hấp bị ảnh hưởng, mắc ung thư, ảnh hưởng đến các bệnh ngoài hô hấp và phải hứng chịu tác hại của phơi nhiễm thuốc lá thụ động”. Hầu hết những người bị tổn thương phổi, mắc các bệnh lý về phổi có độ tuổi trung bình là 24.

Theo bà Trang, hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá thông thường; chúng đều có nguy cơ gây bệnh tật, tử vong. “Chúng ta không nên cho thêm bất cứ sản phẩm nào có nguy cơ trong khi chưa lường hết được tác hại. Dẫn chứng tại Mỹ, từ việc cho phép lưu hành đến việc ban hành lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị gần đây đã giúp giảm tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử từ 27,5% xuống 19%”, bà nói.

Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nói rằng, thuốc lá điện tử làm tăng 3,5 lần nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử; ngoài ra, làm tăng nguy cơ sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống. Ông Lâm khuyến cáo nên duy trì các quy định về không cho phép nhập khẩu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử ở Việt Nam.