Gia Lai - Kon Tum: Rà soát khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét

TPO - Để phòng chống bão số 9, UBND 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã có nhiều giải pháp chỉ đạo tới các đơn vị trực thuộc, trong đó hạn chế cán bộ đi công tác ngoài tỉnh để đảm bảo ứng trực; chú trọng rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm; nhất là những khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất lũ ống, lũ quét.
Bão số 6 gây sạt lở ở đèo Tô Na, trên Quốc lộ 25, đoạn qua thị xã Ayun Pa, Gia Lai

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum giao UBND các huyện, TP Kon Tum theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 9, lũ quét, sạt lở đất để triển khai các lực lượng cứu hộ ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; rà soát, cập nhật kịch bản, phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm; Cùng với đó là tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cây...

Ngoài ra, trong thời gian bão số 9 và mưa lũ, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan và chủ tịch UBND các huyện, TP hạn chế đi công tác ngoài tỉnh, tổ chức phân công trực ban 24/24 để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, ứng phó thiên tai trên địa bàn.

Tại Gia Lai (sát Kon Tum), để chủ động ứng phó với bão số 9, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình nhà ở không đảm bảo an toàn để chủ động tổ chức sơ tán, di dời người và tài sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

UBND tỉnh Gia Lai cũng giao Sở NN&PTNT và Sở Công Thương chỉ đạo các chủ hồ thủy lợi, thủy điện vận hành đảm bảo an toàn, đúng quy trình, chủ động kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và hạ du; nhất là đối với các hồ, đập nhỏ, xung yếu, công trình đang thi công hoặc đã đầy nước...