Giá đỗ được ủ từ hóa chất Trung Quốc

Theo Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, qua phân tích, loại hóa chất được dùng để làm giá ăn ở TP HCM có nguồn gốc từ Trung Quốc và chưa được phép sử dụng ở Việt Nam.

Báo cáo Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc họp chiều 14/8, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, sau khi dư luận thông tin về việc một số cơ sở sử dụng hóa chất để làm giá đỗ, Cục đã vào cuộc xác minh và phát hiện có việc sử dụng hóa chất này.

Theo đó, đoàn thanh tra của Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở sản xuất giá ăn ở TP HCM. Kết quả phân tích, rà soát, hóa chất có nguồn từ Trung Quốc do công ty TNHH Phú Dung, ở Giang Tô sản xuất. Các chất phát hiện gồm hoạt chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28.

Ông Hồng khẳng định, cả 6-benzylaminopurine và gibberelin A28 mà người dân huyện Hóc Môn sử dụng để ủ giá đỗ chưa được phép sử dụng ở Việt Nam. Các hoạt chất này Việt Nam chưa nghiên cứu, khảo nghiệm nên được xem là không rõ nguồn gốc.

"Việc sử dụng các hoạt chất này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy, người dân sử dụng chúng trong sản xuất giá ăn là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam", ông Hồng nói.

Theo Cục, công dụng của các loại hoạt chất trên giúp giá đỗ chóng nảy mầm, thân mập mạp, ít rễ. Các chất này đều thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng thực vật có độc tính thấp và thường sử dụng với liều thấp nên nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người có thể chưa nghiêm trọng.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất giá đỗ ở Hà Nội. Kết quả cũng đã phát hiện người dân sử dụng hóa chất để làm giá, tuy nhiên, không phải giống loại đã phát hiện ở Hóc Môn - TP HCM.

Các loại hóa chất đang được phân tích, sẽ sớm có kết quả công bố cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Hồng. Ảnh: VnExpress.

Cũng tại cuộc họp, Cục Bảo vệ thực vật đã báo cáo thêm về kết quả giám sát đối với hoa quả nhập khẩu. Trong tháng 7, Cục phát hiện 2 lô hàng nho có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao gấp 3-5 lần cho phép; một mẫu khoai tây có lượng tồn dư cao gấp 3 lần cho phép. Tất cả đều là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo ông Hồng, hiện, có 5 loại hoa quả của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất gồm táo, lê, cam quýt, dưa vàng và nho. Trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung kiểm soát các lô hàng nho nhập khẩu sang Việt Nam.

Liên quan đến thông tư 33 về siết chặt an toàn thực phẩm đối với thực phẩm là động vật và sản phẩm động vật vừa qua, trong đó có quy định thịt lợn giết mổ không được bày bán quá 8 giờ, ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Thú y cho biết, Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xem xét lại một số quy định, có thể trình Bộ sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cho rằng, siết chặt an toàn thực phẩm song không thể nóng vội. Thời gian qua, các cơ quan quản lý ban hành thông tư để siết chặt an toàn thực phẩm đã để xảy ra một số sơ suất, cần rút kinh nghiệm. Vì thế, phải có bước đi phù hợp, nóng vội quá cũng không được.

"Về mặt khoa học, tiêu chuẩn quốc thế có thể phù hợp, nhưng điều kiện thực tế ở Việt Nam chưa cho phép thì cũng nên cân nhắc để vừa đảm bảo tính thực thi, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp. Riêng Thông tư 33 phải xem xét điều chỉnh lại trong thời gian sớm nhất, vì ngày 3/9 sẽ có hiệu lực”, ông Phát yêu cầu.

Ngoài việc cho ra đời các chính sách, Bộ trưởng Phát cho rằng, bản thân cán bộ trong ngành cũng phải làm đúng nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Tại các chợ, các lò mổ đều có thú y đứng đóng dấu, kiểm tra song vẫn để thịt bẩn vào được chợ, ra được thị trường.

Theo Nguyễn Hưng
VnExpress

Theo Đăng lại