> Nữ nghệ sĩ độc lập và “Ngôi nhà kỳ dị”
> Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển
Tuổi thơ, “đêm còn tối tít bóng anh hào”
Phạm Thiên Thư sinh năm 1940 trong một gia đình làm nghề thuốc Đông y ở Hải Phòng, lớn lên tại Hải Dương. Năm 1954 gia đình ông vào Sài Gòn. Nhưng, ông cho biết quê gốc ông vốn ở Thái Bình, lưu lạc tứ phương là bởi mưu sinh: “Tôi là cháu của nhà cách mạng Hào Lịch nổi tiếng Thái Bình. Bố tôi vừa làm thuốc ta, vừa làm liên lạc cho ông Hào Lịch. Chúng tôi bị giặc Pháp khủng bố gắt gao”.
Lúc bé, Phạm Thiên Thư hâm mộ cha mình, tham gia du kích chống Tây. Ông bố xem tử vi, thấy con mình sau lớn lên làm tướng. Đêm đêm các đội du kích lại hoạt động, Phạm Thiên Thư ứng khẩu câu thơ: “Đêm còn tối tít bóng anh hào”. Bố cậu làm thêm 3 câu nữa, cho trọn bài thơ.
Gia đình chuyển vào Nam, tiếp tục làm nghề thuốc ta. Phạm Thiên Thư học võ, sáng lập Học hội Hồ Quý Ly, thu hút hàng trăm thanh niên sinh viên tham gia. Uy tín của hội ngày càng lớn. Chính quyền Sài Gòn e ngại, thẳng tay đàn áp, Phạm Thiên Thư phải trốn vào chùa ẩn dật.
Giấc mơ làm tướng quân, làm anh hào, xem ra chưa đắc dụng. Phạm Thiên Thư không nản, quay qua làm thơ. Theo anh: “Thơ hay thì có sức mạnh, chẳng kém một đạo quân”.
Chàng thi sĩ ngang tàng
Giữa một thi đàn với hàng ngàn cây bút, năm 1968, ngay tập thơ đầu tiên ông đã lấy tên: “Thơ Phạm Thiên Thư”. Ông kể: “Tập thơ đầu tay tôi in vỏn vẹn có 500 bản. Tiền nhuận bút tôi đem đi giúp anh em khó khăn và bệnh tật. Tôi cũng không ngờ nhiều người thích thơ tôi, nên thuộc với nhau”.
Tiếng thơ trẻ và rất lạ của ông đã rung động nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ hàng đầu của Sài Gòn lúc đó. Phạm Duy phổ nhạc liền mấy bài thơ tự do phá cách của Phạm Thiên Thư. Cả miền Nam lên “cơn sốt” với ca khúc “Ngày xưa Hoàng thị”, lời thơ gần với thơ dân gian:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non dấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Hình ảnh của anh chàng trí thức ngang ngược trong “Đưa em tìm động hoa vàng” cũng thật hấp dẫn:
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng
Tiếng tăm nổi như cồn, nhưng Phạm Thiên Thư không vì thế mà gò mình vào những bài thơ tình. Ông say sưa thi hóa các kinh Phật, chuyển các bộ kinh dài, khó nhớ, thành những bài thơ dễ đọc, dễ thuộc. Ông đã thi hóa các bộ kinh như: Kinh Ngọc, Kinh Hiếu, Kinh Hiền…
Thượng tọa Thích Tâm Giác nhận định: “Phạm Thiên Thư đã mở ra một trang sử mới cho nền văn học Phật giáo Việt Nam trong việc thi hóa kinh Phật và mang giáo nghĩa giải thoát vào thi ca dân tộc”. Bộ Kinh Hiền, có 9 quyển, 46 chương. Phạm Thiên Thư chuyển thể và thơ hóa thành 12.062 câu lục bát lấy tên Kinh Hiền Hội Hoa Đàm. Sách in lần đầu năm 1971. Năm 2006 Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM tái bản. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục “Kinh Hiền Ngu bằng thơ lục bát dài nhất Việt Nam”.
Dòng Đạo Ca của nhạc sĩ Phạm Duy xuất phát từ cảm hứng thơ của Phạm Thiên Thư. Những năm 1970, Phạm Duy phổ hàng chục bài thơ Đạo Ca của Phạm Thiên Thư, gây tiếng vang lớn.
Hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc, nhưng bằng sự sáng tạo riêng, Phạm Thiên Thư cho ra đời tác phẩm “Đoạn trường vô thanh”. Tác phẩm với 27 phần, kể tiếp cuộc đời nàng Kiều sau khi hội ngộ với Kim Trọng.
Năm 1973, tác phẩm “Đoạn trường vô thanh” đoạt giải nhất văn chương của chế độ Sài Gòn cũ. Rít một điếu thuốc, nghe những ca khúc Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát, Phạm Thiên Thư kể: “Ban tổ chức xướng tên, mời ông Phạm Thiên Thư lên để tổng thống trao giải. Nhưng họ tìm mãi không thấy ông tác giả ở đâu”.
Hóa ra, ông giả vờ đi nhận. Nhưng đi gần tới nơi, ông rẽ vào một quán cà phê kín đáo, ngồi ở đó chờ cho tan cuộc rồi về.
Sau năm 1975, Phạm Thiên Thư hoàn tục, lập gia đình. Ông nói: “Do tôi không nhận cái giải thưởng ấy, nên khi đất nước thống nhất, tôi cũng đỡ bị rắc rối”.
Thời kỳ đó, kinh tế rất khó khăn, để nuôi gia đình, ông chẳng biết phải làm gì. “Tôi nghĩ mãi không biết mình có thể làm gì đây. Trong chùa tôi thường cắt tóc từ thiện cho các cụ già nghèo khổ. Tôi bèn làm một chân cắt tóc”. Thời đó, người ta làm ăn kiểu tổ hợp, hợp tác xã. Phạm Thiên Thư gia nhập quán cắt tóc có 4 ghế. Anh em phân công nhau làm việc.
“Mỗi ngày tôi cắt được 5-6 khách. Tôi cắt chậm lắm. Người ta lại biết tôi là nhà thơ nổi tiếng, nên cứ nài nỉ tôi đọc thơ!”.
Khi rảnh rỗi, ông cố nghĩ ra vài câu châm ngôn. Ông hoàn thành tập Từ điển châm ngôn với 50.000 câu. “Anh thích câu châm ngôn nào nhất?”. Tôi hỏi, Ông nói: “Tôi thích câu: Thơ hay phải dày kinh nghiệm. Phải chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để trong tâm, phải trầm trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình nơi khoảng trống, để sống với tất cả”.
Ông lập gia đình với thi sĩ Mai Trinh Đỗ Thị, nhà thơ xinh đẹp nức tiếng, con gái của nhà văn nổi tiếng Hoàn Ly. Họ có ba người con. Có lẽ một phần do kinh tế quá khó khăn, mà gia đình của ông đã tan vỡ?
Nhưng, ông nghĩ một định mệnh nào đó gắn ông với người vợ hiện nay. “Cô này cũng quê ở Hải Dương, như nhân vật trong bài thơ Ngày xưa Hoàng thị của tôi. Họ giống nhau như hai giọt nước” – Phạm Thiên Thư tâm sự.
Tiếng thơ, tiếng cười, tiếng đời
Dù ngoài 70 tuổi, ông vẫn sáng tác hằng ngày. Có điều khác người là ông kết hợp nghề làm thuốc với nghề làm thơ. Từ năm 1973 ông đã sáng tạo ra phương pháp chữa bệnh hạn chế dùng thuốc, để cứu giúp những người nghèo khổ không có tiền mua thuốc đắt tiền. Ông có chừng 4.000 đệ tử theo học, mở các phòng chữa bệnh nhiều nơi trên thế giới. Ông dạy đệ tử không lấy tiền. Chữa bệnh tùy tâm mà thôi.
Ông kết hợp làm thơ với việc chữa bệnh, dựa trên quan niệm y lý cổ truyền cho rằng thân bệnh và tâm bệnh có liên hệ với nhau. Chữa thân, không thể tách rời việc chữa tâm.
Có lúc, Phạm Thiên Thư bị bệnh tật quật ngã, bị chứng mất ngôn ngữ, nói không sõi. Ông kiên trì làm thơ, nhớ lại từng từ, như làm từ điển. Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết “Từ điển cười- Tiếu liệu pháp” bằng thơ. Tập thơ với 24.000 câu thơ tứ tuyệt, đọc tới đâu cười tới đó. Ông lạc quan tới mức, ngay cả cái chết ông cũng tìm thấy có 135 góc cạnh có thể cười! Viết xong cuốn thơ, Phạm Thiên Thư đã tìm lại được vốn ngôn ngữ bị đánh mất của mình.
Ông cần mẫn nghiên cứu, áp dụng các phương pháp chữa bệnh, để cai cho người nghiện hút, cứu chữa những người bị HIV. “Họ là những bệnh nhân đã khánh kiệt tài sản, chỉ chờ chết – Ông nói – Nhưng, chúng ta không thể để họ chết!”. Đề tài cai nghiện và chữa HIV của ông tốn không ít thời gian công sức và trên đường hoàn thiện. Nhưng, với đóng góp của mình, bộ môn điện công Phathata của ông đã được UBND phường tặng bằng khen trong việc tích cực cai nghiện tại cộng đồng dân cư.
Hằng ngày, ông tiếp cả chục bạn bè. Từ những người yêu văn chương tới những kẻ nghiện ngập, người nhiễm HIV ốm đau. Với ai, ông cũng đều tận tâm mà giúp đỡ, trò chuyện. Hỏi han, đọc thơ, ghi nhật ký thơ.
Phạm Thiên Thư là người có nhiều kỷ lục độc đáo, như thi hóa kinh Phật, làm từ điển cười như một liệu pháp chữa bệnh, nhưng thực sự ông chẳng quan tâm đến công danh. Ông chỉ là người say mê với công việc mình yêu thích: “Tôi đã làm khoảng 200.000 câu thơ. Xem ra đây lại là một kỷ lục!”. Nhưng ông nói thêm: “Đúng ra, tôi chỉ có một niềm yêu thích duy nhất, đó là đi làm từ thiện. Hễ có tiền, tôi đi làm từ thiện”.
Cuối tháng 6 vừa qua, ông và nhạc sĩ Phạm Duy đã tổ chức buổi thơ nhạc “Chắp cánh ước mơ” tại TPHCM, gây quỹ xây dựng trường cho trẻ tự kỷ. Đêm nhạc tổ chức tại khu Văn Thánh, thu hút gần 1.000 người tới dự, ủng hộ. Phạm Thiên Thư vui vẻ nói: “Đêm thơ nhạc như vậy là thành công”.
|
Hóa ra, ông giả vờ đi nhận. Nhưng đi gần tới nơi, ông rẽ vào một quán cà phê kín đáo, ngồi ở đó chờ cho tan cuộc rồi về.
Sau năm 1975, Phạm Thiên Thư hoàn tục, lập gia đình. Ông nói: “Do tôi không nhận cái giải thưởng ấy, nên khi đất nước thống nhất, tôi cũng đỡ bị rắc rối”.
8 - 2011