“Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ. Bác đi từ ở chiến khu Bác về…” - đó là lời một bài hát về đôi dép cao su giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người biết về đôi dép ấy khi Bác ở chiến khu, khi đi thăm đồng bào, đồng chí. Như câu chuyện của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, người có nhiều năm công tác tại Cục Cảnh vệ, Bộ Công an đề cập đến đôi dép Bác Hồ trong một lần công du quan trọng ra nước ngoài. Cố cận vệ của Bác kể, lần đó ông được bảo vệ Bác đi thăm Ấn Độ.
Trời rét, Bác vẫn dặn anh em cảnh vệ mang theo dép cao su để “sang bên đó Bác đi cho tiện, hơn nữa cũng quen dùng”. Khi lên máy bay, Bác đi giày vải cho ấm. Nhân lúc đó, mọi người bàn nhau đem giấu dép cao su, vì nghĩ đơn giản, ra nước ngoài, Bác phải đi giày lễ tân cho sang trọng. Nhưng khi máy bay sắp hạ cánh, Bác liền hỏi dép cao su. Mọi người muốn đặt Bác vào sự đã rồi, nên thưa “dép để dưới bụng máy bay!”. Bác phê bình, “các chú làm vậy là không được!”. Khi máy bay dừng hẳn trên sân, Bác yêu cầu lấy bằng được dép cao su để đi.
Đó chính là đôi dép lốp được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong hơn 20 năm, từ năm 1947 đến khi qua đời. Những đôi dép lốp kiểu xăng-đan tiện lợi, đi nhẹ và êm, lội nước và bùn rất thuận tiện, bảo vệ bàn chân cả khi dẫm lên mẻ chai, thép gai, lửa đỏ. Trong không khí kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, chúng tôi gặp lại một trong 5 người thợ từng được giao làm 10 đôi dép cao su Bác Hồ để lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là ông Phạm Quang Xuân (74 tuổi), cựu công nhân của Xí nghiệp Trường Sơn thuộc Công ty Bách hóa Hà Nội chuyên sản xuất dép cao su từ trước 1975. Nghệ nhân có hơn 50 năm sống cùng đôi dép lốp vẫn khỏe khoắn, đôi tay săn chắc và mềm mại khi cầm con dao sắc ngọt xẻ từng rãnh trên tấm cao su. Ông Xuân bảo, làm dép lốp tưởng đơn giản nhưng để làm được đôi dép đạt đủ các yếu tố: Bền, êm chân, thẩm mỹ thì không đơn giản. Nhất là công đoạn lên quai vì đây là kỹ thuật để cho người đi cảm thấy thoải mái nhưng chắc chân. Được biết, trong số những người thợ làm dép cao su ở Hà Nội từ thời kháng chiến chống Mỹ, giờ chỉ còn mình ông Xuân còn làm nghề. Có nghệ nhân cao tuổi hơn nhưng người đã mất, người còn sống thì cũng không còn sức để làm.
Bộ dụng cụ.
Cùng có mặt tại ngôi nhà nhỏ trong ngõ Nguyễn Biểu của nghệ nhân làm dép lốp, ông Huân, một cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ bồi hồi nhớ lại: Những năm kháng chiến gian khổ, cái gì cũng thiếu, trong khó khăn mới thấy nhân dân ta thật sáng tạo. Đôi dép cao su là vật dụng đầy sáng tạo và độc đáo của bộ đội Việt Nam, gắn bó thân thiết với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua 2 cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, từ năm 1965, đôi dép lốp trở thành một vật dụng không thể thiếu của các chiến sĩ. Chiến sĩ lấy lốp xe ôtô, đo chân cắt thành đế dép, dùi tám lỗ để xỏ quai bằng cao su đen lấy từ xăm ô tô: hai quai chéo phía trên, hai quai ngang phía dưới làm quai hậu và quai vòng. Cái hay ở chỗ, giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà nhờ vào sự giãn nở của cao su. Đó là những đôi dép rất đơn giản, bền, tiện sử dụng, dễ làm, dễ bảo quản, vệ sinh, thích ứng trong mọi điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết ở vùng rừng núi trong kháng chiến.
Tiếp lời, ông Xuân kể về 50 năm làm nghề lắm thăng trầm của mình: Sau giải phóng, dép nhựa trong miền Nam tràn ra Bắc nhiều, dép cao su gần như bị xóa sổ. Xưởng dép cùng công ty giải tán. Đến năm 1995, ông xin nghỉ, về nhà tiếp tục theo đuổi đam mê làm dép. Từ đó, ông Xuân cứ túc tắc làm dép cao su. Cũng đã có người cháu làm việc cùng, một website giới thiệu sản phẩm mang tên “Vua dép lốp”. Dép lốp ông làm giá từ 300.000 đồng đến cả triệu đồng, vậy nhưng nhiều khách du lịch vẫn tìm đến mua, thậm chí có người đặt hàng chờ lấy cho bằng được.
Làm dép tự chế.
Mặc dù dép lốp ngày nay không còn phổ biến tại Việt Nam, nhưng vẫn được bán như một vật lưu niệm của khách du lịch hoặc những nhà sưu tập. Đôi dép lốp đi cùng Bác và bao thế hệ suốt 2 cuộc kháng chiến, sẽ mãi là kỉ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc Việt Nam.
Đó là những đôi dép rất đơn giản, bền, tiện sử dụng, dễ làm, dễ bảo quản, vệ sinh, thích ứng trong mọi điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết ở vùng rừng núi trong kháng chiến.