Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm như vậy với phóng viên Tiền Phong.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm, như xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia… Bộ Y tế cũng vừa tổ chức hội nghị, hướng dẫn một số văn bản pháp luật về nội dung này. Tuy nhiên, điều nhiều người tiếp tục quan tâm là làm thế nào để đưa các quy định này vào cuộc sống, nhất là xử phạt được các hành vi vi phạm?
Theo ông việc xử lý vi phạm uống rượu, bia nên giao cho cơ quan nào?
Vấn đề này rất quan trọng. Nghị định của Chính phủ phải quy định rõ việc giao cho cơ quan nào, đơn vị nào kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm. Nên giao cho cơ quan y tế, công thương, hay giao cơ quan nội vụ, công an, rồi chính quyền địa phương?... Tất cả cần phải có hướng dẫn rạch ròi để triển khai hiệu quả.
Thường ở địa phương, tôi thấy việc này giao cho Thanh tra Sở Nội vụ. Vậy tới đây các cơ quan khác có thẩm quyền không? Theo tôi, cần mở rộng thêm đối tượng được quyền xử phạt, bởi nếu chỉ giao cho một, hai đơn vị thì không thể làm đồng bộ được. Đặc biệt, phải triển khai quyết liệt, tránh đầu voi đuôi chuột, lúc đầu ra quân rầm rộ, rồi sau đó lại đi vào quên lãng, dẫn đến luật bị mai một, kém hiệu quả.
Nhưng thực tế, rất nhiều hành vi vi phạm nhưng cũng không hề dễ dàng để tiến hành xử phạt?
Đúng vậy. Không chỉ với cán bộ công chức, mà nhiều hành vi khác, như ép uống rượu, bia cũng bị xử phạt, bắt trẻ em đi mua rượu, bia cũng bị xử phạt, uống trong giờ hành chính bị xử phạt… Tuy nhiên việc xử phạt không hề đơn giản, vì đây là việc rất tế nhị.
Với hành vi uống rượu bia rồi lái xe, việc xử phạt sẽ dễ dàng, hiệu quả, vì chỉ cần đo nồng độ cồn là chứng minh được. Người vi phạm chống đối có thể bị tịch thu phương tiện, bằng lái. Nhưng có nhiều trường hợp để xử lý vi phạm không hề đơn giản.
Chẳng hạn, trong bàn ăn có người dưới 18 tuổi, nếu ép uống rượu bia sẽ vi phạm. Nhưng nếu người đó vẫn cứ uống rượu, bia dù không ai rủ, không ai mời, bảo đi không đi. Vậy việc xử phạt sẽ như thế nào đây, có xử phạt hay không? Hay bố sai con đi mua rượu, chẳng lẽ con đi mách chính quyền là bố ép đi mua rượu để bị xử phạt? Cũng chẳng ai nhận mình ép cả, có khi lại bảo vì quý nhau nên mời nhau uống thôi…
Để luật thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống, toàn bộ các hành vi đó đều phải được quy định rạch ròi trong nghị định. Thực tế cũng không ít những trường hợp uống rượu, bia say mèm, rồi đánh lộn, hay gây tai nạn giao thông. Dù trước nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt, nhưng khi nghị định ra đời, lúc đó có thể truy ngược lại và xử phạt người ép rượu, bia, dẫn đến hậu quả như vậy.
Nhiều người cho rằng, sau một thời gian ra quân rầm rộ triển khai Nghị định 100 về xử phạt hành vi uống rượu bia rồi lái xe, bây giờ lại lắng xuống và tình trạng sử dụng rượu, bia lại phổ biến?
Nghị định 100 nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, trước mắt tôi đánh giá rất có tác dụng, hiệu quả rất cao. Với mức phạt cao như vậy, bây giờ lái xe sợ lắm, đã lái xe là không dám uống rượu, bia.
Nhưng thời gian qua việc xử lý vi phạm có vẻ giảm đi. Theo tôi có lẽ là do tác động bởi đại dịch COVID-19, vì thổi nồng độ cồn sợ lây lan. Nhưng sau khi hết dịch, có lẽ việc ra quân xử phạt sẽ được tiến hành thường xuyên và quyết liệt như trước kia.
Cảm ơn ông.