Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được Tư vấn ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống vào ngày 29/4, nhưng đi kèm đó là 16 khuyến cáo nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn vận hành. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo thêm với Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng về các khuyến cáo này.
Bộ GTVT khẳng định, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và Bộ GTVT đã nghiệm thu, đủ điều kiện vận hành thương mại.
Về các khuyến cáo của Tư vấn ACT, chủ đầu tư tuyến đường sắt trên cho hay, dự án thực hiện phần lớn theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, từ thiết kế, thi công, nghiệm thu tới vận hành khai thác. Trong khi Tư vấn ACT lại đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010-2011, trong khi một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay.
Cụ thể, tiêu chuẩn tàu điện đô thị của Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn với Hệ thống tín hiệu, không đánh giá và cấp chứng nhận an toàn cho các hạng mục: Hệ thống điện kéo, phanh điện của đoàn tàu và các hệ thống còn lại của dự án. Trong khi đó, tiêu chuẩn châu Âu lại yêu cầu đánh giá.
Tư vấn ACT cũng yêu cầu cung cấp tài liệu để đánh giá 6 nội dung, gồm: Loại phương tiện, hệ thống báo hiệu điều khiển tàu, hệ thống cung cấp động lực; Đánh giá rủi ro của các biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Đánh giá tương thích điện từ; Đánh giá tích hợp hệ thống; Đánh giá vận hành thử hệ thống; Đánh giá hệ thống quản lý an toàn vận hành. Tuy nhiên, phía Tổng thầu EPC không cung cấp được đầy đủ tài liệu theo yêu cầu, do tiêu chẩu của Trung Quốc cũng không chi tiết các vấn đề này.
Bộ GTVT cũng khẳng định, các đoàn tàu đã đầy đủ hồ sơ chứng minh chất lượng theo chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt về độ bền, khả năng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất và nhà thầu cung cấp đoàn tàu cũng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn đoàn tàu.
Về một số nội dung khác, như hệ thống hút gió riêng biệt sử dụng khi có sự cố cháy nổ; chưa có hệ thống cảnh báo cháy tự động; không có hệ thống tự động mở cửa khoang khách trong tình huống khẩn cấp (hệ thống mở khoá an toàn thủ công); một số khuyến cáo cần đầu tư thêm (hỗ trợ người khuyết tật, lắp thêm rào chắn ke ga…)… Bộ GTVT cho biết, một số nội dung sẽ được bổ sung khi đưa tàu vào khai thác, một số nội dung sẽ được bố trí thêm nhân sự, biển báo để hướng dẫn hành khách.
Bên cạnh đó, Công ty Metro Hà NộI (đơn vị vận hành) cũng thuê tư vấn nước ngoài trong để hỗ trợ vận hành và hoàn thiện hệ thống trong 1 năm.
Bộ GTVT cũng khẳng định, hiện 13 đoàn tàu đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện. Các đoàn tàu đã vận hành thử hơn 15.000km đảm bảo an toàn. Dự án đã được cấp chứng nhận an toàn phòng cháy, chữa cháy…
“Dự án được thực hiện đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án. Bộ đã chấp thuận nghiệm thu đưa dự án vào khai thác, sử dụng theo quy định”, Bộ GTVT khẳng định.
Hồ sơ nghiệm thu dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ GTVT gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng từ cuối tháng 4 vừa qua. Nếu được hội đồng này thông qua, dự án sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, vì một số lý do, Hội đồng trên vẫn chưa họp để đưa ra đánh giá với tuyến đường sắt đô thị này, nên chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác.