Thử thách
Cung đoạn đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài khoảng 225,5km, đi qua địa bàn 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Đây là 1 trong 4 cung đoạn thuộc tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đang được các nhóm công nhân ngành điện tăng ca tăng kíp, làm việc ngày đêm để công trình về đích đúng hẹn trước dịp Quốc khánh 2/9. Địa hình hiểm trở, các vị trí chủ yếu nằm trên dãy Hoành Sơn qua tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh nên từ khi triển khai, cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là thử thách lớn với các công nhân ngành điện. Nơi đây còn được mệnh danh là “túi gió” miền Trung khi bao quanh các vị trí là núi đồi, che chắn bởi dãy Hoành Sơn. Phía trước là biển rộng mênh mông, gió thổi lồng lộng.
Có mặt tại vị trí cột 08 cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (nằm ở địa phận huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vào những ngày cuối tháng 8 khi mà mốc thời gian chuẩn bị cho lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 chỉ còn mấy ngày, mới thấy hết không khí khẩn trương và khó khăn mà các công nhân ngành điện vấp phải. “Không chỉ vượt nắng, thắng mưa mà anh em công nhân còn phải vượt cả gió, tìm phương án để thắng những khó khăn này, có thế mới hoàn thiện cột để còn gác sứ, kéo dây, đóng điện”, ông Nguyễn Sỹ Thắng - Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh (đơn vị lắp đặt) khẳng định.
“Mấy tháng qua nhóm công nhân chúng tôi được điều động lắp đặt cột 300A ở Hưng Yên, rồi cột 386, 389 ở tỉnh Nghệ An song tất cả đều hoàn thành sớm hơn dự kiến. Đến khi được giao nhiệm vụ trên dãy Hoành Sơn của cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu mới thấy hết khó khăn của khu vực này. Gió có lúc mạnh rát mặt, giật tung quần áo công nhân thi công trên cột nên khi thi công, an toàn là điều phải chú ý tuyệt đối”, anh Đức chia sẻ.
Hơn 30 năm gắn bó với ngành điện, dù đã kinh qua bao nhiêu địa hình, điều kiện khó khăn trong quá trình lắp đặt, giám sát, vận hành đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2. Thế nhưng, với ông Thắng, trụ 08 của đường dây 500kV mạch 3 vượt Đèo Ngang là một thử thách đáng gờm. Vị trí này được thiết kế cột néo 2 thân, chân lệch nhau đến 4m, mỗi cột cao 83 mét, nặng 315 tấn. Trong khi địa hình trên đỉnh đèo, dốc, diện tích hạn chế, vị trí cột nằm lọt giữa 2 dãy núi, phía trước là biển rộng nên nơi đây trở thành “túi gió” với cường độ mạnh, khiến việc lắp đặt gặp không ít khó khăn.
Mỗi khi chiếc cẩu 220 tấn kéo thanh ngang lên cột, gió đập khiến vật tư va vào thân cột, lủng lẳng, công nhân không thể níu giữ, vặn đai ốc. Giữa không trung, cột điện chót vót càng khiến con người thêm nhỏ bé, chênh vênh. Trước bài toán “nan giải”, ông Thắng cùng hơn 40 công nhân nhiều đêm mất ngủ chỉ để tìm phương án “vượt gió” thi công vị trí cột này. Mỗi ngày, các công nhân được chia thành nhiều nhóm, thay nhau làm việc ở tất cả các khung giờ, cả ngày lẫn đêm để tránh gió và có đủ sức khỏe làm việc. Khi từng tốp công nhân nhận việc leo lên cột điện chưa hoàn thiện, ông Thắng ngước lên đỉnh cột, không rời mắt. Người chỉ huy với kinh nghiệm bao năm cảm nhận từng đợt gió, không ngừng nhắc qua bộ đàm cho từng công nhân của mình chú ý thắt 2 đai an toàn, bám chắc khi gió cuộn qua cột.
“3 đơn vị trước chỉ lắp đến độ cao khoảng 50m đã phải “bó tay” vì gió quá lớn, dồn dập liên tục nên khi tiếp nhận, anh em không tránh khỏi sự lo lắng. Để dựng cột đúng tiến độ song đảm bảo an toàn cho lao động là cả một quá trình, phải căn ke từng lúc gió lặng để cẩu thiết bị, lắp khung thép”, ông Thắng nói. Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh khẳng định, với những vị trí khó khăn như cột số 8, người thi công không chỉ có bản lĩnh “thép” mà còn cần những kinh nghiệm và sáng tạo trong quá trình lắp đặt, xây dựng “mạch máu đất nước”.
Đoàn kết cùng về đích
Không chỉ riêng vị trí Cột số 8, tại vị trí Cột số 20, 22 qua phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đang cấp tập làm việc. Đây cũng là vị trí chịu sức ép lớn của gió, lực lượng thi công rất khó khăn để có thể lắp dựng cột và kéo dây. Nằm ở độ cao gần 400 mét so với mặt nước biển, cột 22 với thiết kế cao 95m, nặng 450 tấn đã dần được công nhân hoàn thiện phần lắp đặt. Tuy nhiên, với các công nhân trên công trường, chỉ khi các phần việc hoàn thành như dự kiến, dòng điện đảm bảo thì đó mới là sự thành công mà mỗi người mong chờ.
Từng 12 năm là lính truyền tải điện khu vực Tây Bắc nhưng với anh Đậu Đình Đức - cán bộ kỹ thuật của Truyền tải điện Hà Tĩnh, những ngọn đồi, mỏm đá ở nơi địa đầu Tổ quốc chưa hẳn đã là thử thách lớn với anh và nhóm công nhân xây lắp khi tiếp cận vị trí các cột của đường dây siêu cao áp trên đỉnh Hoành Sơn.
Không chỉ có gió, ở những vị trí cột nằm vắt vẻo trên dãy núi cao hàng trăm mét còn là thử thách với những công nhân xây lắp. Từ chân núi lên các vị trí cột có nơi dài 3-5km, dốc dựng đứng, công nhân di chuyển lên đã khó, thì việc huy động xe, máy chở vật liệu, thiết bị lên lắp cột càng khó gấp bội phần. “Hầu hết các vị trí trên dãy Hoành Sơn đều rất khó khăn. Không chỉ ngày nắng rát mặt, bỏng da và phải canh gió mới leo lên cột, ngày mưa còn lo con đường độc đạo lầy lội, trơn trượt không thể di chuyển. Việc lắp đặt cột, kéo dây ở các vị trí này cũng vì thế mất nhiều thời gian hơn song với sự khẩn trương và tinh thần đoàn kết, chúng tôi đã làm được và sẽ làm thật tốt để đường dây về đích đúng hẹn”, anh Nguyễn Quốc Anh - Đội trưởng Đội thi công Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4, chia sẻ.
Ông Bùi Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết, Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn đi qua tỉnh Hà Tĩnh có quy mô dự án lớn nhất trong các tỉnh với chiều dài hơn 141km, gồm có 285 vị trí móng cột, 284 khoảng cột/113 khoảng néo thuộc 9 địa phương. Đến nay, cung đoạn còn 3 vị trí đang gấp rút hoàn thành dựng cột là 08, 20, 22 qua địa bàn thị xã Kỳ Anh. Cung đoạn này đã kéo xong 60% đường dây, đang kéo các vị trí còn lại và hoàn thiện các công việc cuối cùng. “Các vị trí chưa hoàn thiện dựng cột đều nằm ở khu vực khó khăn. Đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu sớm hoàn thiện đúng tiến độ để về đích đúng hẹn”, ông Thái nói.
(Còn nữa)