> Lâm tặc lộng hành ở Đắk Lắk
> Phát hiện gần 11 m3 gỗ lậu trong vùng lõi Yok Đôn
“Đại náo” rừng già
Sau một thời gian tình trạng phá rừng tạm lắng. Cũng theo báo cáo của lãnh đạo VQG Yok Đôn, trong thời gian gần đây, liên tiếp hàng loạt vụ khai thác, vận chuyển lâm sản lớn ở trong VQG được phát hiện.
Ngày 7-1-2012, Đội Kiểm lâm cơ động số 1, VQG Yok Đôn phát hiện tại tiểu khu 524, thuộc Trạm kiểm lâm số 1 có 15 cây căm xe mới bị lâm tặc đốn hạ.
Trong đó, lâm tặc mới chỉ kịp lấy được 5 cây, còn lại 10 cây vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để đưa ra ngoài.
Những cây căm xe này có đường kính 50-70cm, lâm tặc sau khi đốn hạ đã dùng cưa máy xẻ hộp những phần gỗ đẹp đưa ra ngoài, bỏ lại la liệt những phần gỗ bị loại và cành nhánh.
Nhiều lối đi chằng chịt được lâm tặc mở ra để khai thác và vận chuyển gỗ. Bên cạnh bờ suối cạn là nơi lâm tặc dựng lán nấu ăn vẫn còn vương vãi những chai nước mắm, xì dầu, cơm nguội…Dẫn chúng tôi đi quan sát hiện trường vụ phá gỗ, gã thợ rừng người bản địa ở đây khẳng định: “Để đốn hạ được một số lượng lớn cây gỗ như thế này lâm tặc phải cần một đội quân vài chục người và đã “nằm rừng” ở đây rất lâu. Việc khai thác gỗ với số lượng lớn như thế này phải do một đầu nậu đủ lực mới tổ chức được chứ lâm tặc “cò con” thì không dám liều như vậy” .
Số gỗ này, sau khi khai thác ở đây, lâm tặc sẽ vượt khoảng 10km đường rừng vận chuyển gỗ ra bờ sông Srêpôk thuộc địa bàn huyện Buôn Đôn, sau đó gỗ sẽ theo đường sông về tập kết ở các bến gỗ nằm rải rác ở các xã vùng đệm.
Cũng trong tháng 1, tại trạm kiểm lâm số 11 đã phát hiện hai cây giáng hương cổ thụ có đường kính hơn 1m đã bị lâm tặc đốn hạ dù chưa kịp lấy đi thớ gỗ nào. Hai cây hương với khối lượng gỗ khoảng 8m3 là một “báu vật” khổng lồ còn lại không nhiều trong VQG Yok Đôn khi loài gỗ có trị giá 40-50 triệu đồng/m3 trên thị trường này đang bị săn lùng ráo riết. Lãnh đạo VQG Yok Đôn đã có văn bản yêu cầu Công an huyện Buôn Đôn khởi tố vụ án.
Những “siêu xe” chở gỗ lậu
Để vận chuyển gỗ ra khỏi vườn quốc gia, lâm tặc thường không dùng xe lớn vì dễ bị phát hiện, bị bắt thì thiệt hại tài sản lớn nên chúng đã chế ra những phương tiện vừa rẻ tiền, vừa cơ động.
Hai loại phương tiện hoạt động mạnh nhất để khai thác gỗ ở VQG chính là xe đạp và xe máy. Hai loại xe này được độ chế với những tính năng cơ bản như tải trọng lớn, di chuyển được trên mọi loại địa hình và tối giản những chi tiết không cần thiết.
Xe đạp dùng để vận chuyển gỗ ra khỏi VQG Yok Đôn thực sự là một “con quái vật cõng gỗ”, nó có thể chở 1m3 gỗ với trọng lượng khoảng 1,2 tấn. Để có được “con xe” này, lâm tặc phải bỏ ra 5-6 triệu đồng để đặt hàng cho các lò độ xe.
Tại đây, những chiếc xe đạp được tháo hết các chi tiết chỉ giữ lại bộ khung, sau đó được những người thợ gia cố thêm hàng chục thanh thép hoặc tuýp nước. Đặc biệt, vành xe sẽ được thay bằng vành xe máy độ lại, thay tăm lớn hơn, gia cố thêm những vòng thép để chịu lực.
Với loại xe này, lâm tặc sẽ cột dọc gỗ vào thành xe, một người cầm lái, ba người dùng dây kéo phía trước, bốn người giữ thăng bằng ở hai bên, còn một người đẩy phía sau.
Với hình thức thồ gỗ này, lâm tặc có nhiều lợi thế vì ít bị phát hiện do không tạo ra tiếng ồn, có thể di chuyển trên mọi địa hình, nếu bị phát hiện thì quăng xe bỏ chạy cũng chẳng tiếc.
Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 113 nghìn ha.
Năm 2012, VQG Yok Đôn phát hiện 610 vụ vi phạm lâm luật thu giữ 509m3 gỗ, 550 phương tiện các loại.
Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, thời gian qua, kiểm lâm vườn liên tục bắt được từng đoàn lâm tặc sử dụng xe thồ để vận chuyển gỗ lậu từ vườn ra.
Mới đây, trạm số 3 đã phát hiện 8 chiếc xe thồ chất đầy gỗ đang trên đường ra khỏi vườn.
Trong lúc kiểm lâm truy bắt thì khoảng 30 lâm tặc tiến hành chặt gỗ để lấy xe tẩu thoát, số khác quay qua ôm kiểm lâm cho đồng bọn chạy trốn.
Kết quả lâm tặc đã tẩu tán được 3 xe đạp, để lại hiện trường 5 xe với khoảng 5m3 gỗ. Chưa đầy 3 tuần, trạm này đã thu giữ hơn 30 chiếc xe đạp thồ.
Những chiếc xe máy độ cũng rất hữu dụng cho lâm tặc, với những chiếc xe này lâm tặc có thể “cõng” 0,5m3 gỗ cho mỗi lần chở.
Ông Thành cho rằng, thời gian này ở VQG Yok Đôn nóng lên tình trạng phá rừng là do lâm tặc tổ chức “đánh” mạnh một vài chuyến nữa để nghỉ ngơi ăn Tết.
Việc để mất rừng theo ông cũng là chuyện bình thường, vì phải quản lý một diện tích rừng rộng mênh mông không có “cửa nẻo”, cùng với đó là việc hàng trăm ngàn người dân nằm bao vây vườn, lâm tặc và đầu nậu thì lởn vởn bên ngoài không ai xử lý.