Đưa tuồng xuống phố: Giải pháp tình thế

TP - Đó là nhận định chung của giới nghệ thuật Đà Nẵng sau đêm diễn đầu tiên của sân khấu tuồng ngoài trời ở bờ sông Hàn tối 12/7 vừa qua. Đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm, bác học xuống phố chỉ là giải pháp tình thế để người dân làm quen và quảng bá chứ không phải là định hướng phát triển lâu dài.
Sân khấu tuồng Đà Nẵng ngoài trời trong đêm diễn đầu tiên vào ngày 12/7. Ảnh: Thanh Trần.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT thành phố, nói: “Không phải loại hình nghệ thuật nào cũng đưa xuống phố được, trước đây việc đưa nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên biểu diễn ở đường phố đã được giới chuyên môn cảnh báo về nguy cơ tha hóa, thoái hóa. Cần phải nghiêm túc đặt vấn đề: đường phố với tư cách là không gian diễn xướng có thực sự phù hợp với nghệ thuật tuồng hay không? Và theo tôi câu trả lời đúng sẽ là không phù hợp. Đây chắc chắn không phải là định hướng phát triển, mà chỉ là giải pháp tình thế”. Ông Tiếng cũng cho rằng, nếu người dân tiếp cận tuồng trên phố và ngộ nhận đã thưởng thức trọn vẹn tinh hoa của tuồng thì rất đáng lo ngại.

Ý kiến trên được nhiều nghệ sĩ đồng tình, việc đưa tuồng xuống phố chỉ là một hình thức quảng bá, tiếp thị về nghệ thuật. Bởi  diễn tuồng ở sân khấu ngoài trời cũng như diễn một trận tập bóng đá, cho khán giả biết thế nào là tuồng, nhân vật, hóa trang trong  tuồng chứ không thể khoe được hết chiến thuật, tinh hoa, đỉnh cao như khi diễn trong nhà hát. Song nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp tuồng trên phố.

Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, chia sẻ: “Đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi tuồng diễn trong không gian hiện đại phải giới hạn lại tính bác học, cấu trúc lại trích đoạn tuồng để người dân dễ hiểu và gần gũi hơn. Nhưng nếu cứ mãi đưa tuồng đến với khán giả theo cách này thì những tính ước lệ, đỉnh cao trong tuồng không ai biết đến”.  

NSND Trần Đình Sanh cho rằng diễn tuồng trên phố là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, trước mắt hoàn thành mục đích thu hút khán giả, quảng bá để họ tìm tới nhà hát tuồng, hướng đến những vở diễn đích thực hơn”.

Vấn đề nan giải được đặt ra, là làm sao vừa giới thiệu được tuồng, vừa khiến khán giả vào nhà hát để thưởng thức trọn vẹn những tinh túy của tuồng chứ không chỉ dừng lại ở sân khấu ngoài trời. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hồng lưu ý với nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: “Không nên đưa tất cả những cái hay, cái đẹp của tuồng vào hết trong một đêm diễn, phải “để dành”, chuẩn bị cho đêm tiếp theo. Nếu đêm nào cũng có một điểm hấp dẫn thì khán giả sẽ rất tò mò và yêu mến tuồng, từ đó sẽ tìm đến nhà hát để tiếp tục được xem tuồng”. Ông Bùi Văn Tiếng, cho biết Đà Nẵng đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chọn là nơi tổ chức Liên hoan các vở tuồng của Tống Phước Phổ trong dịp Ngày Sân khấu Việt Nam 2015 vào tháng 9 tới.

Tìm cách để...… Tuồng đến được với công chúng!

Khách đến xem Tuồng giữa Thủ đô cũng lác đác. Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn cố gắng đưa những vở diễn trẻ, mới đến với công chúng, nhưng Tuồng chưa được ưa chuộng là vì chưa tuyên truyền hết những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của môn nghệ thuật này – như ban lãnh đạo thú nhận. Trong tháng 6 và 7/2015, Nhà hát Tuồng lưu diễn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), tới Phú Yên, tới TPHCM, vở diễn Phương thuốc thần kỳ của Nhà hát Tuồng Việt Nam được khán giả hào hứng và yêu mến. Nước mắt người thiếu phụ biểu diễn đầy nhiệt huyết đã thực sự chinh phục các chiến sĩ trẻ ở Bộ Tư lệnh TPHCM, khi lần đầu tiên họ được xem Tuồng và nghệ thuật Tuồng. Tại Sư đoàn 5 Tây Ninh, hơn ngàn cán bộ, chiến sĩ ngồi xem hết vở Nước mắt người thiếu phụ bằng tràng vỗ tay giòn giã, điều này đã tăng thêm sức mạnh cho các nghệ sĩ cống hiến cho Tuồng.

Chỉ trong ba tháng, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã trình diễn 80 buổi tuồng cổ. Mỗi thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, Nhà hát Tuồng tại rạp Hồng Hà, đã dành cho khách nước ngoài đến xem… loại hình nghệ thuật này. Hiện tại đang diễn 5 vở: Ông già cõng vợ đi xem hội, Nhã nhạc cung đình Huế (Đại nhạc), Múa lân mẹ đẻ con lân, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Nhã nhạc cung đình Huế (tiểu nhạc). Ngoài những thông tin thưa thớt và ít ỏi, hình ảnh là chính, trang web của Nhà hát Tuồng Việt Nam còn gắn thêm dòng chữ nhỏ: Trích phần trăm các hợp đồng kéo khách du lịch tới xem Tuồng (!).              

 P.V