Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác tàu cá cũ của các nước nếu đồng ý cho nhập các đội tàu này.
Ưu đãi để… mua tàu cũ
Trong khi đề án “rình rang” của ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Cty Đức Khải chưa bớt “nóng”, thì Cty CP Tập đoàn thủy hải sản Trí Việt (gọi tắt Cty Trí Việt) do ông Trần Văn Trí (chồng của đại gia thủy sản Diệu Hiền) làm Chủ tịch cũng gây “sốt” với dự án nhập khẩu, đóng mới tới 220 tàu cá.
Theo đề án của ông Trí (gửi tới gần 20 địa chỉ, từ lãnh đạo cao cấp đến các bộ trưởng, chủ tịch ngân hàng), giai đoạn 1 (trong năm 2014), Cty này sẽ nhập 72 tàu cũ (công suất 400-500 CV). Trong đó, 50 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, 20 tàu dịch vụ hậu cần và 2 tàu cứu hộ. Giai đoạn 2 (2015-2020) sẽ nhập và đóng mới 150 tàu, và mua 3 máy bay cứu nạn.
Các tàu trên nếu được nhập về sẽ phục vụ cho các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Tuy nhiên, cũng như dự án của Cty Đức Khải, ông Trí muốn nhập tàu vỏ thép cũ chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Và mục đích nhắm tới là “miếng bánh” vốn rẻ hỗ trợ ngư dân từ Nghị định 67.
Theo tờ trình, Cty Trí Việt có đề cập, nhập tàu đã qua sử dụng dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, theo các thông số kỹ thuật mà Cty Trí Việt trình Bộ NN&PTNT, tới 13/14 tàu do Cty này cung cấp đã có tuổi trên 15 năm, 1 tàu có tuổi 12 năm, trong đó nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982 (đến nay đã trên 30 năm hoạt động). Do vậy, loại tàu của Cty Trí Việt muốn nhập cũng không đáp ứng các quy định hiện hành.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc…đã nhiều lần muốn tặng ngành thủy sản Việt Nam số tàu cũ hơn 10 năm tuổi, đã qua sử dụng. Sau khi xem xét về chủng loại tàu và các ngư cụ sử dụng, Việt Nam đã ngừng tiếp nhận số tàu “biếu không” của các nước trên.
“Xí phần”của ngư dân
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, cuối tuần vừa rồi, ông đã ký văn bản gửi lên Thủ tướng nêu quan điểm của Bộ này về đề án “xin cơ chế hỗ trợ, ưu đãi” để mua 100 tàu cũ, công suất 500-1.500 CV của Cty Đức Khải (Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Đề án xin nhập tàu cá cũ về Việt Nam: Liệu có khả thi?”, ngày 4/8).
Cty xin phép nhập 100 tàu cá có sản xuất năm 1985 (gần 30 năm hoạt động), tổng mức đầu tư là 1.500 tỷ đồng, nhưng Cty Đức Khải muốn vay tới 1.350 tỷ đồng, lãi suất chỉ 1%.
Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cho biết, đối chiếu các quy định, đề án không đáp ứng được các điều kiện vay vốn giá rẻ theo Nghị định 67. Còn theo Nghị định 52 và 53 (trong đó có quy định tuổi tàu nhập khẩu không quá 8 tuổi), loại tàu của Cty trên không đáp ứng được điều kiện về nhập tàu cũ.
Chưa kể, nếu áp dụng theo Nghị định 29 về đăng ký mua bán tàu biển, giới hạn tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam, tàu đã qua sử dụng phải không quá 15 tuổi tính từ năm đóng. Do đó, việc nhập tàu của Cty Đức Khải nằm ngoài các điều kiện quy định.
“Hoan nghênh các doanh nghiệp mạnh dạn, có tư tưởng đột phá vào lĩnh vực khai thác hải sản với nhiều rủi ro trên biển. Tuy nhiên, các DN cũng cần phải tuân thủ theo các quy định. Sau này, nếu các doanh nghiệp trình đề xuất tổ chức theo đội tàu viễn dương, có thể hợp tác với Indonesia, và các nước mà Việt Nam có hợp tác nghề cá với họ sẽ khả thi hơn”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, dự án của Cty Đức Khải là dự án lớn, lại muốn vay tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Cty này chưa đưa ra được phương án chi tiết về đầu tư, sản xuất kinh doanh khai thác hải sản (như tính chi phí nhiên liệu từng chuyến đi, duy tu bảo dưỡng, nhân công, đối tượng hải sản đánh bắt và tiềm năng, sản lượng dự kiến…).Cty Đức Khải cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, đánh bắt hải sản.
Thứ trưởng Tám cho biết, để tránh đóng tàu ồ ạt rồi lại nằm bờ như chương trình đánh bắt xa bờ trước đây, chính sách mới cần có cơ chế giám sát. Vì vậy, Cty Trí Việt cũng phải liên hệ với địa phương để được hướng dẫn cụ thể theo Nghị định 67 và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
“Các chủ tàu muốn hưởng chính sách đóng tàu xa bờ, phải đăng ký với xã. Xã sẽ xem các chủ tàu này đi biển thật không, đi vùng nào, làm nghề gì. Từ đó tập hợp lên huyện, tỉnh phê duyệt. Việc đăng ký này, giúp nắm bắt nhu cầu vay vốn, biết được dân phát triển nghề gì, có thể tư vấn cho họ nghề gì không khuyến khích, hoặc nguồn lợi cạn kiệt rồi thì không phát triển nữa”- ông Tám nói.
Theo các chuyên gia thủy sản, trong lúc nguồn ngân sách khó khăn, việc nhà nước dành khoản tiền nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển là một nỗ lực lớn. Nguồn ngân sách này, nên dành cho những ngư dân dạn dày biển cả, đang ngày đêm bám biển, cần được nâng cấp “tàu to, máy lớn”.
Các doanh nghiệp không nên “xí phần” tranh “miếng bánh” này của ngư dân, mà nên đầu tư mạnh hơn cho khâu chế biến, tiêu thụ. Đó là chưa kể việc nhập những tàu cũ này có thể biến Việt Nam trong vài năm tới thành bãi rác tàu thải của thế giới.