Đưa nhân chứng vụ Su-22 gặp nạn ra vùng biển nghi vấn

Sáng 20/4, tàu kiểm ngư Việt Nam đã đưa ông Nguyễn Phùng, ngư dân chứng kiến thời điểm máy bay Su-22 rơi, ra vùng biển nghi vấn để phục vụ công tác tìm kiếm 2 phi công đang mất tích.
Ông Nguyễn Phùng, người chứng kiến hai máy bay Su - 22 lao xuống biển đã được đưa lên tàu kiểm ngư ra biển hỗ trợ công tác tìm kiếm hai phi công đang mất tích

Trước đó, vào sáng 16/4, ông Nguyễn Phùng (69 tuổi) cùng con trai Nguyễn Văn Thống (31 tuổi) đang câu cá mú ở gần Hòn Trứng (sát vị trí hiện các đơn vị tìm kiếm đang tìm 2 chiếc máy bay - PV) thì thấy 2 chiếc máy bay lượn liên tục, thỉnh thoảng có động tác lộn nhào.

“Tôi không biết lúc đó là mấy giờ vì không có đồng hồ, tôi nghe một tiếng động cơ rít lên, hú rất to, sau đó thấy máy bay rơi theo hướng thẳng đứng, đuôi tiếp nước trước đầu. Lúc đó, tôi còn kêu con tôi coi tôi máy bay rơi kìa con. Chưa kịp định thần thì khoảng 2 – 3 phút sau đó, con tôi chỉ cho tôi chiếc thứ 2 rơi cách chiếc thứ nhất không xa, tầm 2 hải lý gì đó. Máy bay rớt xuống nước tạo ra cột nước cao lắm” - Ông Phùng nhớ lại.

Từ thông tin ông Phùng cung cấp, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã được huy động khẩn trương vào cuộc. Đến chiều 19/4, đặc công nước đã vớt được một số mảnh vỡ của một trong hai chiếc máy bay Su-22.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ huy trực tiếp Sở chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển

Nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác tìm kiếm hai phi công đang mất tích, Sở chỉ huy tại đảo Phú Quý đã được dời ra biển, đóng tại tàu kiểm ngư dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Các mảnh vỡ vớt được trên biển được đưa thẳng lên tàu chỉ huy.

Sáng 20/4, ghi nhận của phóng viên từ đảo Phú Quý cho thấy, thời tiết ở đây khá thuận lợi cho việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Các phóng viên tác nghiệp tại đảo bị “giới hạn” phạm vi tác nghiệp, không được tiếp cận, ghi hình các tàu tham gia cứu hộ.

Theo Theo Dân trí