Với 48 điều, Pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày thông qua; quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, một số ý kiến đề nghị: trường hợp người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng cũng là người phải chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì đưa họ vào trường giáo dưỡng. Ý kiến khác đề nghị đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về việc này, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính với người có hành vi vi phạm để quản lý, giáo dục. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy thì người bị đưa vào trường giáo dưỡng được học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của trường, vẫn được áp dụng biện pháp cai nghiện thích hợp nếu bị nghiện ma túy.
Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với TAND tối cao chỉnh lý, bổ sung dự thảo Pháp lệnh theo hướng họ phải chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng để bảo đảm đồng bộ về chính sách pháp luật.
Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục với đối tượng lang thang, cơ nhỡ, chưa xác định được cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp và nơi cư trú; làm rõ việc giải quyết đối với người nghiện ma túy là người nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy thì khi có hành vi vi phạm xảy ra, Công an cấp xã có trách nhiệm xác minh về nơi cư trú, cha mẹ, người thân của người nghiện ma túy, để giúp Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị. Nếu không xác minh được, Công an cấp xã nơi xảy ra hành vi vi phạm lập hồ sơ đề nghị.
“Dự thảo Pháp lệnh đã quy định việc xác minh nơi cư trú, cha mẹ… của người nghiện ma túy và việc lập hồ sơ là trách nhiệm của Công an cấp xã. Tòa án chỉ giải quyết vụ việc khi nhận đủ hồ sơ. Khi giải quyết vụ việc, nếu chưa có người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật”, bà Nga nói.
Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng không xác định được nơi cư trú, cha mẹ… tương tự như đối tượng có nơi cư trú. Còn với người nước ngoài nghiện ma túy đang sinh sống tại Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống ma túy nên cũng được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho hay, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định Thẩm phán được phân công phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; mời chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của Nhà trường, đại diện UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để trình bày về những vấn đề có liên quan.
Theo báo cáo của TAND tối cao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có một số cơ sở cai nghiện đã xây dựng lâu năm, thiết kế không đồng bộ, xuống cấp, chưa hình thành các khu cai nghiện riêng biệt, độc lập, có tính đặc thù cho người chưa thành niên cai nghiện ma túy.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy; nghiên cứu trình Chính phủ Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025…