> Fiditour - 11 năm liên tục đạt Top ten lữ hành Quốc tế
Điều này được chỉ ra tại tọa đàm “Hợp sức du lịch Việt Nam” diễn ra hôm qua (29-10). Bà Phạm Lê Thảo - Vụ phó vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: “Theo số liệu thống kê sơ bộ, sau 10 tháng, Việt Nam đón 4,8 triệu lượt khách. Nhưng tháng 9 sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước do khủng hoảng kinh tế thế giới. Đồng thời, tháng 9 năm ngoái lượng khách đến tăng do thời điểm đó Việt Nam là chủ tịch ASEAN và sự kiện 1.000 năm Thăng Long”.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Trần Quốc Thái - Công ty Tracodi Tourist, phân tích, thước đo cụ thể của kết quả liên kết chính là mức độ hài lòng của khách hàng. Trình diễn các điệu múa Tây Bắc cho du khách nhưng lại không có các lời giải thích về ý nghĩa, nguồn gốc là minh chứng cho kiểu làm dịch vụ không hoàn chỉnh, không có sự phối hợp. Tương tự, loại rượu đặc sản táo mèo tuy ngon nhưng trong quan điểm của người làm du lịch như ông Thái, cần có các bảo chứng về chất lượng sản phẩm để du khách an tâm.
Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Hanoitourist nói “Khi các công ty du lịch trong nước rục rịch tăng giá thì nước ngoài giảm giá. Cần có liên kết giữa các công ty du lịch, giữa các công ty du lịch với các đơn vị lưu trú, vận chuyển, ăn uống, vui chơi giải trí, hàng không…”.
Ông Kế cho rằng: “Đứng ở góc độ người làm du lịch lâu năm, chúng ta bắt buộc phải hợp tác, phải có thế mạnh để giảm giá cho du khách. Du lịch và hàng không là hai cánh của một máy bay. Máy bay không thể cất cánh nếu một trong hai cánh hỏng, nên tôi rất mong VNA tiếp tục đồng hành để khai thác thị trường trong nước và hướng ra nước ngoài”.
Đại diện “Air Mekong bày tỏ mong muốn kết hợp với các công ty du lịch để phát triển thị trường. Air Mekong thời gian qua đã có những tuyến bay có hiệu quả, để từ đó các hãng lữ hành có thể xây dựng các tuyến mới đi Kuala Lumpur, Bangkok... Ga Hà Nội ghi nhận tuyến Hà Nội – Sa Pa là thành công giữa đơn vị vận chuyển và công ty lữ hành. Hiện ga đã đầu tư hơn 100 toa xe mới chất lượng cao, có khả năng phục vụ khách tốt hơn.