Du lịch mạo hiểm: Mất bò mới lo làm chuồng

TP - Chỉ trong vòng 10 ngày đã xảy ra hàng loạt vụ việc nghiêm trọng tại các khu, điểm du lịch trên cao nguyên Lâm Đồng khiến 4 du khách nước ngoài tử nạn. Các chuyên gia và nhà quản lý du lịch phải thốt lên rằng một số doanh nghiệp “xem nhẹ tính mạng của du khách quá”!
Vượt thác Datanla ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: P.V

Đà Lạt - Lâm Đồng có nhiều dạng địa hình (núi cao, sông suối, thác ghềnh) phù hợp với các loại hình du lịch dã ngoại hay thể thao mạo hiểm như dù lượn, leo núi, vượt thác, chinh phục hố tử thần... Đây cũng là nơi đầu tiên mà một số môn thể thao mạo hiểm du nhập vào Việt Nam. Có không dưới 10 khu điểm du lịch ở Lâm Đồng có thể khai thác các loại hình du lịch hấp dẫn này như Lang Biang, Mađagui, Bidoup-Núi Bà, thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình yêu... Có 8 công ty lữ hành quốc tế đăng ký các loại hình du lịch mạo hiểm. Thế nhưng, do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác bài bản giữa các khu, điểm du lịch và một số công ty lữ hành dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, thiếu an toàn.

Hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng

Ngày 26/2 trở thành nỗi ám ảnh đối với ngành du lịch Lâm Đồng khi 3 du khách người Anh tuổi đời trên dưới 20 tử nạn tại thác Datanla. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nhưng những sai phạm của đơn vị tổ chức tour là Công ty TNHH Đam mê Đà Lạt đã được ngành du lịch mổ xẻ là không ký hợp đồng và không mua bảo hiểm cho du khách. Hướng dẫn viên (HDV) không chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm… Đơn vị quản lý thác là Dalat Tourist cũng phải chịu một phần trách nhiệm do công tác quản lý lỏng lẻo.

Vụ việc đang gây xôn xao dư luận thì chỉ 3 ngày sau, anh Banradenka Viktar (26 tuổi, quốc tịch Belarus) chết đuối trong lòng hồ dưới chân thác Pongour (thôn Tân Bình, xã Tân Thành, Đức Trọng, Lâm Đồng).  Ông Vy Văn Hạnh (Phó giám đốc Cty TNHH Du lịch Đất Nam, đơn vị quản lý thác) nói rằng du khách này đến khu du lịch trong tình trạng có hơi men, không chịu mua vé mà xông vào cổng rồi xuống lội thác và bị hụt chân rơi xuống hồ. Đoàn du khách đến từ Đồng Nai đã phát hiện ra tai nạn và báo với nhân viên thác Pongour. Câu hỏi đặt ra là Khu du lịch đã làm hết trách nhiệm hay chưa khi để một du khách trong tình trạng như thế xuống thác nước hiểm trở, những nơi nguy hiểm chưa được rào chắn và cảnh báo một cách bài bản? 

Trước đó, vào chiều 19/2, một ô tô ở Khu du lịch Lang Biang đang chở 6 du khách trên đoạn đèo hết sức nguy hiểm để lên núi ngắm cảnh thì bị tuột dốc khiến đoàn du khách hoảng loạn. Tài xế phải điều khiển xe đâm vào cây thông bên đường mới dừng lại được. Du khách càng bức xúc hơn khi biết rằng nguyên nhân là do xe hết xăng, phanh bị trục trặc. Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã phải thốt lên: Hoạt động tại khu vực có địa hình hiểm trở mà lại tắc trách, mất cảnh giác như thế. Sau khi sự cố xảy ra thì thiếu ý thức,   không cầu thị, không thành khẩn nhận trách nhiệm và không có biện pháp trấn an du khách. 

Tổ chức tour chui 

Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL Lâm Đồng Mai Viết Đảng nhận định, một số đơn vị tổ chức các tour du lịch mạo hiểm còn lơ là trách nhiệm, coi nhẹ tính mạng du khách, chỉ vì lợi ích nhỏ mà coi nhẹ vấn đề lớn. Sở đã có các hướng dẫn cụ thể về loại hình du lịch này nhưng nhiều doanh nghiệp không chấp hành, không làm theo quy chuẩn nào cả, bất chấp các khuyến cáo về tính rủi ro, sự hiểm nguy của loại hình du lịch mạo hiểm. Có đơn vị không được cấp phép vẫn hoạt động. Nhiều công ty không liên kết mua vé chính thức để sử dụng các thiết bị hiện đại của khu du lịch mà tổ chức tour chui nên không đảm bảo an toàn.

Lặn tìm du khách nước ngoài bị đuối nước.

Bà Trần Thị Hồng Nhạn, Tổng giám đốc Dalat Tourist, đơn vị chủ quản thác Datanla nói Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã giao cho đơn vị tổ chức loại hình thể thao mạo hiểm tại thác Datanla. Dalat Tourist đã mua sắm các thiết bị hiện đại tiêu chuẩn châu Âu, thuê chuyên gia người Pháp huấn luyện cho các HDV… Thế nhưng một số công ty không qua dịch vụ của Dalat Tourist mà tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm chui tại thác Datanla. “Mình đã lường trước sẽ xảy ra tai nạn nhưng không nghĩ là nặng nề tới mức độ này”, bà Nhạn nói.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên và cán bộ phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Lâm Đồng) cùng có chung nhận định nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá tour xuống mức quá thấp và hậu quả là chất lượng dịch vụ không đảm bảo. 

Lực lượng HDV thiếu và yếu

Từng có 10 năm kinh nghiệm làm du lịch mạo hiểm, ông Võ Đức Trung, Giám đốc Cty CP Du lịch mạo hiểm Việt, cho rằng hiện nhiều tour du lịch mạo hiểm do các đơn vị trên địa bàn tổ chức thiếu HDV và các thiết bị an toàn cần thiết. Dù đi 3 khách cũng cần 2 HDV vì địa hình thác nước hiểm trở rất cần sự hướng dẫn của đơn vị tổ chức. Thực tế có những đơn vị tổ chức cho 15-20 khách thám hiểm mà chỉ có 2-3 HDV, lộ trình không được thiết kế rõ ràng…

Ông Trung phân tích: Trong vụ tai nạn khiến 3 du khách người Anh tử vong, đơn vị lữ hành bán vé Trekking (đi bộ xuyên rừng) nhưng lại để du khách đùa giỡn dưới nước là thiếu chuyên nghiệp trong thực hiện tour. Khi hợp đồng với du khách phải thiết kế lộ trình rõ ràng và HDV phải buộc du khách tuân thủ, không thể để họ tùy tiện thay đổi lộ trình.

Thượng tá Phan Tất Chí (Phó trưởng Công an thành phố Đà Lạt) cũng cho biết quá trình kiểm tra những năm qua cho thấy nhiều HDV không đảm bảo về trình độ và kinh nghiệm. “Thậm chí có những người mới học xong lớp 12 thì làm sao có nghiệp vụ được?”, ông Chí băn khoăn. “Đào tạo HDV du lịch là khâu yếu trong quản lý của ngành”, giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng thừa nhận. 

Nhiều chuyên gia nhận định trên thế giới, du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình đang được nhiều người lựa chọn. Lâm Đồng có nhiều tiềm năng để khai thác nhưng công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp tốc độ phát triển du lịch của các nước trong khu vực, còn nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý... Mặt khác việc kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được tiến hành thường xuyên, kiên quyết; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.