4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường:

Du lịch hồi sinh nơi 'biển chết'

TP - “Quảng Bình có cả đường bộ, đường sắt và đường không nhưng đều kẹt cứng trong mấy tháng qua. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, nếu không đặt vé từ trước thì khó có chỗ ngồi để đến Quảng Bình. Du lịch Quảng Bình đã qua cơn bĩ cực, đang hồi sinh một cách mạnh mẽ. Du khách đến với Quảng Bình còn đông hơn trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển. Những người làm du lịch như chúng tôi mừng nhưng lo cũng nhiều lắm!” - ông Nguyễn Văn Kỳ, PGĐ Sở VHTT&DL Quảng Bình thông tin.
Du khách đổ về Quảng Bình tắm biển. Ảnh: Hoàng Nam.

6 tháng đầu năm đón hơn 1,5 triệu lượt du khách

Sau sự cố môi trường biển vào giữa tháng 4 năm 2016, du lịch 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình gần như “chết lâm sàng”. Bãi biển, nhà hàng, khách sạn... vắng tanh không một bóng người. Từ chỗ thu hút hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm, thì năm 2016, du lịch Quảng Bình là con số 0 tròn trịa.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, PGĐ Sở VHTT&DL Quảng Bình cho biết: Sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, biển Quảng Bình được ví như biển chết. Nước nhiễm độc, cá nhiễm độc... du lịch biển cũng chết theo một cách tức tưởi. Nhiều lúc những người làm du lịch ở Quảng Bình bi quan đến mức, sẽ không bao giờ vực lại được ngành kính tế mũi nhọn này của tỉnh. Nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành... du lịch Quảng Bình đã hồi phục một cách mạnh mẽ.

Thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm nay, Quảng Bình đón hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015, khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển. “Điều đáng mừng, là hầu hết du khách sau khi thăm thú hang động ở miền rừng thì đều trở về miền biển để nghỉ ngơi, tắm biển, thưởng thức hải sản Quảng Bình. Điều này không hề có trong năm 2016. Vậy là du lịch Quảng Bình đã đi được trên “2 chân”, chứ không đi “1 chân” như thời điểm 2106” - ông Kỳ nói.

Điều khiến ông Kỳ lo lắng nhất, đó là chất lượng dịch vụ của du lịch Quảng Bình bị xuống cấp một cách trầm trọng, do nguồn nhân lực bỏ nghề quá nhiều sau sự cố môi trường biển. Các dự án cho hạ tầng du lịch cũng bị ngưng lại, nên nhà hàng, khách sạn cũng không đủ đáp ứng lượng du khách trong những ngày cao điểm. Chúng tôi đang cố gắng kêu gọi nguồn nhân lực đã ra đi quay trở về nhưng xem ra họ vẫn chưa tin tưởng lắm vào sự bền vững của du lịch Quảng Bình. Đồng thời, chúng tôi cũng đang đào tạo nhiều lớp cấp tốc, thậm chí vừa làm, vừa học để đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, nhưng cũng phải mất vài ba năm nữa mới lấy lại được sự cân bằng” - ông Kỳ nói thêm.

Trên bàn tiệc của người dân Quảng Bình và du khách đều không thiếu những món hải sản bản địa.

Vô tư ăn hải sản bản địa

Theo phần đa ý kiến của du khách đến với Quảng Bình, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên thì hải sản Quảng Bình ngon số 1 Việt Nam. Mục tiêu họ đến Quảng Bình là “2 trong 1”, thăm thú cảnh đẹp và thưởng thức hải sản. Mặc dù đến nay Bộ Y tế vẫn chưa loại bỏ khuyến cáo “không sử dụng” một số loài hải sản tầng đáy ở một số vùng biển của 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình, nhưng trên thực tế, người dân và du khách đã vô tư sử dụng.

Chủ nhà hàng Biển Xanh ở bờ biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới) cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách, nhà hàng của ông chủ yếu nhập hải sản xa bờ và một số loài hải sản từ miền Nam và miền Bắc, nhưng đa số du khách vẫn thích ăn hải sản gần bờ bản địa của Quảng Bình. “Mình cũng giới thiệu nguồn gốc hải sản rõ ràng và để du khách lựa chọn. Nhiều du khách sau khi ăn xong phát biểu, họ chưa bao giờ ăn mực ở đâu ngon như mực Quảng Bình” – chủ nhà hàng Biển Xanh nói.

Cá mú ở tầng đáy Quảng Bình được du khách thích dùng.

Chủ nhà hàng Xuân Đặng ở bãi biển Quang Phú (TP Đồng Hới) cho biết: Trước đây, sợ du khách không ăn hải sản Quảng Bình, nên nhà hàng này đổi món sang gà, heo... du khách vào hỏi và đi ngay. Hiện nay chủ nhà hàng này quyết định nhập hải sản bản địa để bán, khách hàng tăng lên nhanh chóng. Hỏi chuyện một đoàn du khách đến từ Hà Nội đang thưởng thức hải sản ở đây, mọi người đều khen rất ngon và có những thứ họ chưa bao giờ được ăn như con ốc vàng nặng hơn 1kg, chỉ có ở vùng rạn san hô, cách bờ biển Quang Phú chừng 500m. “Chúng tôi biết khuyến cáo của Bộ Y tế chứ, nhưng ngon thì phải ăn cái đã” – anh Nguyễn Quang Nghĩa đến từ Hà Nội, nói.

Ngồi cùng bàn với anh Nghĩa, chị Trần Thu Hương tặc lưỡi: “Ai mà không lo cho sức khỏe của mình. Ăn thường xuyên chứ lâu lâu ăn một bữa chắc là không vấn đề gì. Ngon thế này không ăn thì phí”.

Món sò huyết “ngon nhất Việt Nam” được lấy từ cửa sông Ròn, cách cửa xả của Formosa chừng 25km.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, ngành du lịch Quảng Bình đã có khuyến cáo các nhà hàng không được bán những loại hải sản nằm trong danh mục khuyến cáo của Bộ Y tế, tuy nhiên để kiểm soát vấn đề này rất khó. “Đây cũng là nỗi lo của chúng tôi. Du khách thường thích hải sản tươi sống, mà tươi sống thì phải gần bờ. Còn hải sản xa bờ thường qua ướp đá, chất lượng bị giảm sút, nên nhiều nhà hàng vẫn bán 2 loại hải sản nói trên, và tùy theo sự lựa chọn của du khách” – ông Kỳ nói. 

“Đây cũng là nỗi lo của chúng tôi. Du khách thường thích hải sản tươi sống, mà tươi sống thì phải gần bờ. Còn hải sản xa bờ thường qua ướp đá, chất lượng bị giảm sút, nên nhiều nhà hàng vẫn bán 2 loại hải sản nói trên, và tùy theo sự lựa chọn của du khách”

            Phó Giám đốc Sở VHTT & DL Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ