Đốt sách, xây… chùa

TP - Tin thư viện thành phố Uông Bí, Quảng Ninh tiêu hủy hơn một vạn cuốn sách và thanh lý hàng chục đầu báo có tuổi đời nhiều chục năm làm dư luận ngã ngửa. Không ngờ thư viện không chỉ là nơi giữ mà còn là nơi “chôn” sách. Sách báo càng để lâu càng có giá trị nhưng ở đây chỉ mấy thập kỷ, chúng đã ra “ma”. Được biết số sách bị thủ tiêu này ngang với chính số sách mà thư viện này đang giữ.

Và người ta có quyền nghi ngờ thư viện lấy cớ tiêu hủy sách để được cấp kinh phí mua mới?! Hoặc thư viện đã phạm những sai lầm nghiêm trọng khiến cho việc lưu trữ tài liệu thất bại trong thời gian dài. Y như rằng, thư viện lên báo thanh minh số sách báo trên đều đã bị mối mục nhưng chỉ đưa ra được hình ảnh mỗi một cuốn sách bị mọt ăn ruỗng. Đồ rằng nếu thư viện không mời báo chí về chứng kiến buổi tiêu hủy sách e tiếng xấu khó phai được. Khi không chỉ có hàng trăm thư viện khác lưu giữ những bài báo ghi nhận việc đốt sách mà còn có mạng internet.

Cùng thời điểm, chùa Bổ Đà (Bắc Giang) bỗng nhiên mọc lên một tam quan mới toanh. Ban đầu câu hỏi ai cho phép việc này được đặt ra. Hóa ra chính nơi xếp hạng di tích quốc gia cho chùa. Mỗi tội tam quan được phê duyệt 3 gian 2 chái thì khi thực xây nó thành 5 gian 2 chái. Ngoài việc có dấu hiệu xâm hại di tích quốc gia thì người ta không hiểu xây một cái tam quan có thể còn to hơn cả chùa và chắn tầm nhìn di tích để làm gì? Ai cũng biết sự đặc sắc của chùa Bổ Đà nằm cả ở bức tường bao bằng đất thì nay một phần tường đã bị phá để nhường chỗ cho tam quan mới.

Biết đâu tam quan dựng lên trót lọt rồi thì đến một ngày đẹp giời người ta lại nhận ra cần phải xây chùa mới bề thế cho tương hợp. Bởi ai cũng biết với một số người, chùa không chỉ là di tích hay chốn tu hành mà còn là nơi… đặt hòm công đức.

Hủy sách, làm méo mó di tích… về nhiều mặt đều là những hành động nhằm xóa nhòa lịch sử và quá khứ của dân tộc, không khỏi ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai. Bởi cứ tay xây tay phá thì chẳng biết đến bao giờ chúng ta mới phát triển được.