Đồng Nai cũng rối bời BOT

TP - Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT nêu một số bất cập tại các trạm thu phí BOT sử dụng đường bộ trên địa bàn, đề nghị có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT đường tránh TP Biên Hòa.

Chờ Bộ GTVT tháo gỡ

Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào ngày 16/6, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong quá trình triển khai  xây dựng các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế. Lạ nhất đó là dự án sửa chữa nâng cấp mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên quốc lộ 20 (km76+000 đến km 20+000, thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng) được Bộ GTVT triển khai theo hình thức BOT liên doanh giữa Cty TNHH MTV 7/5, Cty TNHH Hùng Phát và Cty TNHH đầu tư và phát triển Đại Phát. Điều đáng nói là dự án này được xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhưng thu phí hoàn vốn tại trạm Bảo Lộc và trạm Tân Phú trong khi tỉnh Đồng Nai không nằm trong phạm vi dự án BOT. Thời gian thu phí của dự án này theo kế hoạch là 8 năm 10 tháng 25 ngày.

Ngày 1/7/2016, sau hơn 7 năm thu phí, trạm thu phí Bảo Lộc đã được dừng thu và bàn giao tài sản về cho Cục Quản lý đường bộ IV. Thế nhưng, cho đến nay trạm thu phí Tân Phú vẫn triển khai thu phí.  UBND tỉnh Đồng Nai nhận định việc đặt trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là không phù hợp, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT dời trạm thu phí Tân Phú về phạm vi của dự án cho phù hợp.

Đối với trạm BOT quốc lộ 1 tuyến tránh TP Biên Hòa (km1842, thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng  tuyến Quốc lộ 1, tỉnh Đồng Nai cho rằng, mức thu hiện tại của trạm này 35.000 đồng  là khá cao so với các trạm thu khác. Do đó, tỉnh này kiến nghị Bộ GTVT giảm mức thu phí tại trạm này cho tương đồng với các trạm trong khu vực. Địa phương này cũng cho rằng, trạm thu phí này đặt sai vị trí khi dự án đầu tư đường tránh TP Biên Hòa nhưng thu phí trên quốc lộ 1, vì vậy, từ  tháng 9 đến nay, đã 5 lần giới tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để gây ùn tắc giao thông buộc chủ đầu tư phải xả trạm.

Hầu hết những vụ ùn tắc giao thông đều nhằm vào giờ cao điểm, khiến hàng ngàn công nhân bị trễ giờ làm khi xe buýt bị kẹt đường. Chủ đầu tư là Cty CP ĐT Đồng Thuận cho rằng, dự án tuyến tránh TP Biên Hòa gồm 2 phân đoạn: cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1A  dài 10,7km và xây dựng tuyến tránh TP Biên Hòa dài 12,2km. “Việc đặt trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa đã được thống nhất từ năm 2005 khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Biên Hòa theo hình thức hợp đồng BOT và luôn thống nhất một vị trí duy nhất tại km 1842 QL1. Vị trí phù  hợp với quy hoạch mạng lưới thu phí sử dụng cầu, đường bộ của Chính phủ”- đại diện công ty này phân tích.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hiểu và chia sẻ những bức xúc của tài xế và đã có kiến nghị với Bộ GTVT. Chúng tôi đang chờ Bộ GTVT có ý kiến, biện pháp chính thức để tháo gỡ”- ông Liêm nói và cho biết thêm, việc đặt trạm thu phí Quốc lộ 1 tuyến tránh TP Biên Hòa  trên quốc lộ 1 là đặt đúng theo quy hoạch trước đó.

Mập mờ dự án vợ giao cho công ty của chồng làm chủ đầu tư

Tuyến đường BOT chuyên dụng vận chuyển khoáng sản tại xã Phước Tân vừa hoàn thành giai đoạn 1 do HTX An Phát liên danh với 1 công ty khác làm chủ đầu tư vừa đi vào hoạt động đã vấp phải phản ứng của 1 số doanh nghiệp khai thác mỏ đá trong khu vực này.

Vào tháng 6/2007, tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tuyến đường chuyên dùng để tách biệt với đường giao thông dân sinh. Ngay sau đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã chủ trì họp với các đơn vị và 8 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản tại khu vực cụm mỏ  đá Tân Cang thống nhất để làm con đường chuyên dụng. Năm 2009, huyện Long Thành có kết luận thông báo về việc các đơn vị khai thác khoáng sản đóng góp xây dựng làm đường chuyên dụng với tổng kinh phí gần 86 tỷ đồng, dài 7,5 km, dự kiến sẽ gấp rút để thực hiện thi công vào năm sau.  Mỗi doanh nghiệp đã đóng góp 300 triệu đồng để khảo sát, thiết kế để làm đường và chuẩn bị góp vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Năm 2011, xã Phước Tân cũng đã sáp nhập về TP Biên Hòa, bị chững lại một thời gian thì dự án đường chuyên dụng bất ngờ được đổi sang hình thức BOT. Các doanh nghiệp khai thác đá càng bất ngờ hơn HTX An Phát do ông Đỗ Tịnh (chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, hiện là Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) kết hợp với 1 công ty khác được giao làm chủ đầu tư. Thời gian này, bà Phan Thị Mỹ Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng và công nghiệp.

Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT Donacoop (một doanh nghiệp đã góp vốn làm đường chuyên dụng) nói: “Lúc này tất cả các doanh nghiệp hết sức bất ngờ, vì chúng tôi đã đóng tiền đo vẽ, khảo sát lập dự án làm đường. Tuy nhiên, dự án lại được sang theo hình thức BOT, mà bà Thanh là người ký văn bản giao cho chồng triển khai xây dựng nên không ai dám phản ứng...”.

Là dự án BOT, nhưng ngày 4/4/2013, bà Phan Thị Mỹ Thanh với vai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lại có văn bản ký thay chủ tịch tỉnh này gửi sang Sở GTVT, KH&ĐT, Tài chính tỉnh Đồng Nai... để hỗ trợ kinh phí (23 tỷ đồng) giải phóng mặt bằng dự án với nội dung: “Chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đối với phần giải phóng mặt bằng của dự án; tách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành tiểu dự án độc lập, giao cho UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư”. Ngay sau đó, UBND TP Biên Hòa có văn bản thực hiện theo văn bản mà bà Thanh ký đề nghị.

Ông Bùi Thanh Trúc cho rằng, lúc đầu con đường chuyên dụng được dự kiến thực hiện dựa trên hợp tác của các doanh nghiệp khai thác mỏ đá nhưng sau đó chuyển cho HTX An Phát chồng bà Thanh làm theo hình thức BOT. Các doanh nghiệp còn lại không được hỏi ý kiến. Chủ đầu tư triển khai dự án BOT cũng là đơn vị khai thác mỏ đá và việc đầu tư xây dựng, giá thu phí không hề lấy ý kiến chủ các mỏ khác.

Kết luận của UBKT Trung ương nêu rõ: “Bà Thanh đã ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho HTX An Phát nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh Đồng Nai, chưa báo cáo Thường trực HĐND là vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư”. 

31 trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách

Ngày 3/10, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, qua 8 tháng đầu năm 2017, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đáng lưu ý, về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ GTVT, qua kiểm toán 22 dự án, KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN cũng phát hiện 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Trên toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm 70 km. 

Luân Dũng