> Ngư dân không có tiền hỗ trợ vì thiếu con dấu ở Hoàng Sa
Tốn kém
Dù có tên trong danh sách hỗ trợ xăng dầu, nhưng tàu QNg 95138TS của ông Bùi Lành (Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa cập cảng Sa Kỳ không thể nhận tiền hỗ trợ vì thiếu con dấu xác nhận điểm đánh bắt Trường Sa. Gần 3 tháng lênh đênh câu mực xa khơi, phí tổn cho chuyến đi của con tàu công suất 350CV này lên đến gần 400 triệu đồng.
Ông Lành nói: “Tàu ngốn hết 20.000 lít dầu, nếu được hỗ trợ tôi sẽ được nhận 45 triệu đồng, tính ra giảm bớt được hơn 2.000 lít. Tiếc là thủ tục nào tôi cũng đảm bảo, riêng cái giấy xác nhận thì chịu. Bởi điểm khai thác trong chuyến đánh bắt vừa qua cách Trường Sa cả trăm hải lý. Nếu tính công ra vào, lấy giấy xác nhận, phí tổn xăng dầu cũng tốn ngang tiền hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Minh (Bình Chánh), chủ tàu QNg 95454TS, cho hay: Thực chất, không phải lúc nào ngư dân cũng đánh bắt gần Trường Sa. Nhiều lúc gặp sóng to, gió lớn, tàu bị đẩy ra vài chục hải lý. Hay những khi thiên tai, gặp nạn phải cập bờ sớm… ai mà lòng vòng ra vào Trường Sa để xin đóng dấu. Chi phí nhiên liệu chiếm đến 70% phí tổn chung cả chuyến ra khơi, quỹ hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 1/10 phí nhiên liệu, nên phải tính toán từng mét nước một, ông Minh nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, ông Nguyễn Thánh Tần, nói: Xã có hơn 100 tàu thuyền công suất lớn, chủ yếu đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân vùng Trường Sa đã khó khăn, còn ngư dân đánh bắt vùng Hoàng Sa coi như bất lực vì không thể có được con dấu xác nhận.
Riêng việc lắp đặt máy định vị tầm xa nhằm xác nhận thay con dấu, đến nay xã chỉ có 2-3 tàu thuyền đáp ứng được, do kinh phí lên đến 28-30 triệu đồng/máy.
Theo ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, tháng 6, tỉnh phê duyệt hơn 360 tàu trong diện hỗ trợ xăng dầu và mới tăng thêm gần 80 chiếc. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 20 hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ, chủ yếu là vùng biển Trường Sa.
Ngư dân Hoàng Sa sẽ thiệt thòi nếu không kịp nhận hỗ trợ máy định vị theo quy định. Trong khi đó, toàn tỉnh có trên 100 tàu công suất lớn thường xuyên đánh bắt ngoài Hoàng Sa.
Thiếu nguồn vốn ứng
Theo ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, ngư dân ứng tiền ra mua máy định vị tầm xa trước rồi lấy hóa đơn, chứng từ làm hồ sơ gửi Sở. Sau đó hội đồng thẩm định sẽ xét duyệt và trả lại tiền lại cho dân.
Cách làm lòng vòng này khiến việc triển khai lắp máy chậm, trong khi không phải ngư dân nào cũng đủ tiền ứng trước. Đến nay, toàn tỉnh lắp đặt 1 máy tổng thu nhận tín hiệu trên bờ và mới chỉ có 3–5 tàu thuyền lắp đặt máy định vị tầm xa. Một máy không thể dùng chung cho cả tổ đội khai thác vì các thành viên trong tổ đội có thể ra khơi khác nhau.
Mới đây, tại buổi làm việc với Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đồng ý chủ trương cho địa phương lắp đặt trực tiếp máy định vị tầm xa cho ngư dân, tránh để họ phải ứng tiền trước.
Khẳng định đây là phương án hay, nhưng ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lo rằng địa phương không biết lấy nguồn vốn ứng ở đâu. Tính chung tiền hỗ trợ xăng dầu, mua máy định vị tầm xa, bảo hiểm… cho hơn 450 trường hợp được phê duyệt, toàn tỉnh cần đến hơn 40 tỷ đồng.
Vẫn phải chờ
Tại Đà Nẵng từng có một số doanh nghiệp đến làm việc với cơ quan chức năng thành phố, chào giá và đề nghị sẽ lắp đặt máy định vị GPS cho ngư dân trước, nhận tiền sau. Tuy nhiên, không hiểu sao đến giờ vẫn chưa triển khai.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), cáo bận việc không tiếp PV mà chỉ trả lời qua điện thoại: “Chúng tôi đã tham mưu bằng văn bản vấn đề này với lãnh đạo thành phố từ khi có Quyết định 48 (ngày 13-7-2010). Còn việc vì sao vẫn chưa lắp máy định vị GPS, vì sao dân chưa nhận được tiền thì tôi cũng không biết trả lời thế nào. Có gì các anh cứ lên Sở mà hỏi, ở đó người ta nắm kỹ hơn”.
Ngày 22-9, liên lạc với ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT, thì ông Quỳnh cũng nói bận, bảo phóng viên làm việc với ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở. Liên lạc với ông Phó, ông này cũng cáo bận, chỉ nói qua điện thoại: “Nhờ anh nói với ngư dân cứ yên tâm, chúng tôi đang khẩn trương tiến hành, một thời gian rất ngắn nữa dân sẽ nhận được tiền. Còn phải chờ một vài thủ tục nữa”.
Khi được hỏi, liệu những trường hợp đánh bắt từ cuối năm 2010 đến nay đã đi về nhưng không thể có con dấu ở ngư trường Hoàng Sa, liệu họ có thiệt thòi? Ông Phó nói: “Về nguyên tắc là không thể mất được, rồi sẽ có cách nào đó để xác minh chứ. Mặc dù vậy, cụ thể là cách nào thì các ban ngành... chưa nghĩ ra”.
Về việc một số doanh nghiệp đề nghị lắp máy trước lấy tiền sau, ông Phó cho hay, về nguyên tắc, là phải công khai, minh bạch, phải đấu thầu và có trình tự. Hồ sơ đang được lập để công khai đấu thầu.
Sau Quyết định 48 ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 14-3-2011, liên Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính có thông tư liên tịch số 11 hướng dẫn thực hiện quyết định này. Theo đó, điểm b, mục 4 điều 9 ghi rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ ngay sau khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ của ngư dân.
Thông tư cũng quy định cụ thể: mỗi tàu cá có giấy tờ hợp lệ, làm đơn đăng ký, được cấp máy liên lạc HF, có định vị GPS mới 100%. Có 21 đảo và 6 nhà giàn thuộc Trường Sa được quyền xác nhận ngư trường đánh bắt cho ngư dân.