Đón sóng đầu tư, doanh nghiệp mạnh tay đầu tư xử lý nước thải ngành dệt nhuộm

TPO - Ngày 13/9, tại Hưng Yên, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối (Vinatex-ID) tổ chức lễ bàn giao Nhà máy xử lý nước thải số 2 – Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối. Đây là Nhà máy hiện đại với nhiều công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải ngành dệt nhuộm, hướng tới xây dựng khu công nghiệp dệt may xanh, kiểu mẫu tại khu vực miền Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung.

Ông Phan Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Vinatex-ID cho biết, Nhà máy xử lý nước thải số 1 có công suất thiết kế 10.000 m3/ngày đêm, được Tập đoàn Dệt May Việt Nam bàn giao cho Vinatex-ID vận hành.

Năm 2017, công ty đã tiến hành nâng cấp tiêu chuẩn nước thải đạt tiêu chuẩn cột A, quy chuẩn 40 và nâng công suất lên 12.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhà máy thường xuyên quá tải do yêu cầu công suất dệt nhuộm của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ngày càng được nâng lên. Do đó, tháng 2 - 3/2023 HĐQT công ty đã ra Nghị quyết phê duyệt dự án, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán dự án Nhà máy xử lý nước thải số 2 với công suất 8.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 159,2 tỷ đồng.

Sau 280 ngày thi công, các bên đã ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình và bàn giao vận hành công trình đưa vào sử dụng của Nhà máy xử lý nước thải số 2. Đến nay nhà máy đã đi vào hoạt động chính thức, vận hành ổn định và mang lại hiệu quả, đảm bảo cùng với Nhà máy xử lý nước thải số 1 xử lý toàn bộ 100% nước thải trong khu công nghiệp, đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Theo ông Dũng, theo số liệu tháng 8/2024, Nhà máy số 2 đang vận hành trung bình với công suất 201.750 m3/tháng, tương đương 6.725 m3/ngày đêm, đạt 84% công suất thiết kế. Cùng với đó, Nhà máy số 1 hoạt động khoảng 276.120 m3/tháng, tương đương 9.200 m3/ngày đêm, đạt 77% công suất thiết kế.

Khu xử lý nước thải của Vinatex-ID

Ông Trần Đăng Anh – Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải số 2 là sự nỗ lực rất lớn của Vinatex-ID trước những áp lực về vấn đề môi trường do nhu cầu mở rộng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Theo ông Đăng Anh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có những đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn để hoàn thiện các bước về phê duyệt chủ trương cho tới triển khai.

Báo cáo của Vinatex-ID cho thấy, về cơ bản đã đảm bảo các kỹ thuật về chất lượng nước thải đầu ra, tuy nhiên về lâu dài cần có những bước đi thận trọng, cân nhắc lắp đặt các biển báo điện tử cập nhật về chất lượng nước thải tại 2 điểm xả được cấp phép. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về việc vận hành của Nhà máy cũng như công khai minh bạch về chất lượng nước thải để nhận được sự đồng thuận cao nhất từ người dân và chính quyền địa phương.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex và lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hưng Yên kiểm tra hoạt động của nhà máy

Đầu tư hướng tới sản xuất xanh

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập Vinatex-ID, tôn chỉ của các cổ đông, trong đó có cổ đông chính Vinatex luôn xác định việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh phải đặt sự quan tâm hàng đầu tới vấn đề môi trường, không đánh đổi việc trả giá về môi trường với lợi ích kinh tế.

Trong quá trình đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Vinatex đã có kế hoạch xây dựng Nhà máy xử lý nước thải trước khi có các doanh nghiệp thuê mặt bằng. Tới thời điểm này, trước sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Vinatex-ID tiếp tục đầu tư thêm Nhà máy xử lý nước thải số 2 để tháo gỡ bài toán về quá tải của Nhà máy xử lý nước tải số 1 có những thời điểm vượt quá công suất xử lý 12.000 m3/ngày đêm.

“Khi Nhà máy xử lý nước thải số 2 chính thức đi vào hoạt động, vận hành của 2 nhà máy đang ở ngưỡng an toàn với 75 – 85% công suất thiết kế nên vẫn còn dư địa xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp”, ông Hiếu cho hay.

Theo lãnh đạo Vinatex, với thiết kế và ứng dụng công nghệ hiện đại, dự án đưa vào vận hành đạt các tiêu chuẩn về môi trường, cam kết đảm bảo xử lý các vấn đề nước thải của khu công nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường. Đây là minh chứng thể hiện những cam kết nhất quán mạnh mẽ của khu công nghiệp Dệt May Phố Nối đối với mục tiêu phát triển một khu công nghiệp bền vững, xanh, sạch, thân thiện với môi trường tại tỉnh Hưng Yên.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, một trong chủ trương của các cơ quan quản lý Nhà nước và mong muốn của hiệp hội và doanh nghiệp là để thu hút vốn FDI vào phát triển khâu thượng nguồn, hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Tuy nhiên cho đến nay, định hướng cũng như mong muốn này chưa đạt kỳ vọng, phần lớn nguyên phụ liệu cho sản xuất doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn phải nhập khẩu, trong đó vấn đề nan giải với các doanh nghiệp dệt may chính là các khâu liên quan đến tuân thủ về bảo vệ môi trường

Theo Hiệp hội Dệt May, các doanh nghiệp ngành dệt may cho biết, hiện doanh nghiệp đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu theo đó ngành dệt may cả nước nói chung nói riêng đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại vải. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của chúng ta còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất. Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung; có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.