Phạt nghiêm tàu quá tải, tự ý rời bến
Nhiều năm trước lĩnh vực GTVT đường thủy phổ biến nạn tàu chở hàng tự ý rời, vào cảng bến mà không thông báo với đơn vị cảng vụ để làm thủ tục rời bến. Điều này kéo theo tình trạng phương tiện chở quá tải, hết hạn đăng kiểm hoặc thuyền viên không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động gây mất trật tự ATGT. Nguyên nhân một phần do địa bàn đường thủy rộng, phân tán (hơn 6.400 bến và hơn 200 cảng) và việc phối hợp kiểm soát giữa các cảng vụ khu vực, địa phương thiếu chặt chẽ.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Cục tổ chức kiểm tra toàn diện nghiệp vụ cảng vụ đối với 4 Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực trực thuộc. Đồng thời hàng loạt chỉ đạo hệ thống cảng vụ báo cáo hằng ngày về phương tiện ra, vào cảng bến; thực hiện quy chế báo tin vi phạm và tiếp nhận để “đón lõng” xử phạt nơi phương tiện đến. Trách nhiệm cảng vụ viên, đơn vị cảng vụ được làm rõ nếu có tàu tự ý rời cảng mà không thông báo hoặc tiếp nhận thông tin nhưng không kiểm tra, xử phạt. Giải pháp này đã giúp thay đổi hẳn tình hình, số trường hợp vi phạm bị xử lý tăng, phương tiện vào cảng bến làm thủ tục cũng tăng theo.
Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, số trường hợp vi phạm bị xử phạt từ cuối năm 2015 đến nay tăng hơn 200%, nhiều trường hợp trong đó là xử phạt về hành vi không làm thủ tục rời bến do Cảng vụ khu vực II gửi đến.
“Nếu như trước kia hầu như chỉ cảng vụ khu vực nào cũng chủ yếu tự phát hiện và xử phạt vi phạm thì nay nơi nào cũng có nghĩa vụ thông báo và tiếp nhận thông tin vi phạm để xử phạt. Có những trường hợp cố tình không làm thủ tục, trốn tránh việc chấp hành xử phạt nhưng vài tháng sau vẫn buộc phải nộp phạt”- ông Dũng cho biết thêm.
Việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện đã góp phần đưa số lượt phương tiện vào cảng, bến ở các cảng vụ trên tăng 20 -30% so với cùng kỳ năm trước. Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II Lê Đức Cường cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện, xử phạt gần 700 trường hợp cảng, bến, phương tiện vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, có đại diện Cảng vụ trực thuộc Cảng vụ II có số lượng xử phạt tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Cục Đường thủy nội địa VN cũng chỉ đạo quyết liệt lực lượng thanh tra đường thủy thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra. Theo Cục, trong 6 tháng đầu năm 2016 ước tính số tiền mà thanh tra đường thủy xử phạt đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, trong khi những năm trước chỉ vài trăm triệu đồng. Ông Bùi Tính, Phó giám đốc Công ty CP phát triển Hải Phòng (đơn vị kinh doanh vận tải khách Bến Bình- Cát Bà) cho rằng, việc tăng cường kiểm soát hoạt động vận tải thủy mang lại công bằng và giúp doanh nghiệp khắc phục kịp thời các khiếm khuyết.
Loại bỏ sách nhiễu, tiêu cực
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết, trong 60 truyền thống của ngành đường thủy nội địa (11/8/1956-11/8/2016) đã góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước, nhưng trong giai đoạn hiện nay toàn ngành cần thay đổi mạnh mẽ từ tư duy, cung cách quản lý, phục vụ thực tiễn quản lý để phục vụ sự phát triển của đất nước. Vì thế, đi đôi với quyết tâm kiểm soát chặt chẽ phương tiện ngay từ cảng bến, Cục Đường thủy nội địa VN cũng đồng thời chấn chỉnh, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
“Cục đã ban hành quy trình kiểm tra phương tiện thủy nội địa tại cảng bến thủy và bắt đầu áp dụng từ tháng 6/2016. Nội dung quy trình nêu rõ cảng vụ viên chỉ được kiểm tra những gì, thủ tục thế nào, để không xảy ra chuyện cảng vụ viên gây phiền hà, nhũng nhiễu cho chủ phương tiện, thuyền viên. Điều này nhằm ngăn các tình huống bi hài mà tôi từng được phản ánh như có cảng vụ viên khi không phát hiện phương tiện vi phạm gì thì kiểm tra cả thùng… rác”- Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết.
Thực tế cho thấy, từ năm 2015 đến nay, đã có hàng chục cảng vụ viên, lãnh đạo đơn vị cảng vụ do thiếu trách nhiệm hoặc lơ là công việc đã bị lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN đình chỉ công tác, luân chuyển địa bàn hoặc không cho làm nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra phương tiện.
Cách nữa mà ngành đường thủy loại bỏ tiêu cực, phục vụ doanh nghiệp, người dân là đang thí điểm cấp phép từ xa, mà thuyền trưởng chỉ cần nhắn tin điện thoại, email để được phép vào cảng, bến, sau đó cảng vụ mới hậu kiểm các điều kiện chấp hành quy định an toàn. Một số đại diện cảng vụ cũng đã được lắp camera tại bộ phận làm thủ tục để giám sát hành vi, thái độ của người thực hiện công vụ. Tại một số nơi như Hòa Bình, Cần Thơ… được thí điểm làm thủ cấp phép một lần (thay vì một lần ra, một lần vào) cho phương tiện chở khách, giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.