Báo Tiền Phong điện tử ngày 11/9/2017, đăng bài “Tại sao chất lượng dạy học cứ ì ạch trong vùng trũng”. Cảm ơn Tòa soạn và tác giả đã đưa ra những vấn đề được bạn đọc quan tâm.
Tôi cho rằng bài viết đã cho thấy sự am hiểu cơ bản về thực trạng của giáo dục phổ thông nhiều năm qua. Bài viết còn gợi ra những giải pháp mới mẻ, táo bạo, có ý nghĩa tích cực.
Là những giáo viên phổ thông, xin được chia sẻ những suy nghĩ với tác giả bài viết.
1.Trước hết chúng tôi rất đồng tình về đánh giá chất lượng
Những năm qua, ngành giáo dục luôn giương cao khẩu hiệu đổi mới. Đổi mới phương thức quản lý, đổi mới phương pháp dạy học , đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh... Nhưng buồn thay, chất lượng dạy học thực chất vẫn chẳng thay đổi được bao nhiêu, có chăng chỉ thay đổi trên bình diện hình thức, thậm chí có vùng miền càng đổi mới, chất lượng càng bi đát.
Xin phân tích kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để minh họa thêm cho bức tranh chất lượng.
Kỳ thi năm nay với cơn lốc điểm mười (4235 bài so với gần 69 bài năm 2016); đã tạo ra ảo giác lạc quan về chất lượng. Nguyên nhân là do đề thi 100% trắc nghiệm khách quan với nhược điểm cố hữu mà báo chí đã phê phán.
Ngoài “cơn lốc” điểm 10, tỉnh nào cũng có những lớp đa số học sinh đạt điểm cao ba môn. Những lớp đó là lớp chuyên của tỉnh hoặc lớp chọn của các trường. Một tỉnh có bao nhiêu học sinh năng khiếu đều được tuyển sinh vào trường chuyên; một trường có bao nhiêu em giỏi đã được xếp vào lớp chọn.
Trường chuyên, lớp chọn đều chọn những giáo viên giỏi dạy, phụ huynh không tiếc tiền đầu tư, giáo viên thu nhập khủng. Những lớp đó nhiều em đạt điểm cao là hiển nhiên. Nhưng chừng ấy học sinh đạt điểm cao không phản ánh được chất lượng cho tỉnh đó trường đó là rất cao.
Về tỉ lệ đậu tốt nghiệp trên 90% cũng không phản ánh đúng chất lượng. Do điểm xét tốt nghiệp được tính một nửa là điểm thi, một nửa là điểm trung bình các môn học lớp 12. Nếu xét tốt nghiệp căn cứ điểm thi như trước đây với mức trung bình là 5, thì tỉ lệ học sinh cả nước tốt nghiệp năm 2017 chỉ 58% (Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT).
58% đã phản ánh gần đúng chất lượng dạy học khá thấp. Nếu đề thi ra theo tự luận hoặc một phần tự luận một phần trắc nghiệm, thì tỉ lệ còn thấp hơn nhiều. Là chưa nói, để có 58%, phần lớn học sinh lớp 12 phải học và ôn luyện ít nhất 2 lần (một lần chính khóa và một lần học thêm).
Thậm chí một số còn học đến 3 lần (thêm 1 lần ở nhà GV hoặc ở cơ sở ngoài nhà trường). Thử hình dung, nếu học sinh chỉ học chính khóa, không học thêm 2 - 3 lần thì tỉ lệ tốt nghiệp sẽ rất thảm hại, đó là điều không khó suy luận.
Tỉ lệ đó phản ánh chất lượng khách quan nhất.
2. Bài viết đã chỉ thẳng thắn: nguyên nhân dạy học yếu kém trực tiếp là chất lượng giáo viên; nguyên nhân gián tiếp là những giải pháp quản lý.
Trong dạy học, chất lượng học của học sinh luôn tỉ lệ thuận với chất lượng dạy của người thầy. Người thầy giỏi sẽ làm chủ kiến thức, có phương pháp dạy tốt, biết kích thích hứng thú, biết gợi mở hoài bão cho học sinh... Vậy nhưng nhiều giáo viên đã không làm được như vậy.
Qua thực tế ở trường học, chúng tôi thấy phần lớn bằng cấp đào tạo không đồng nhất với năng lực; hơn nữa, khi giáo viên không thường xuyên “văn ôn võ luyện” thì bằng cấp chỉ còn cái xác không hồn!
Nhưng khách quan, chúng tôi vẫn không trách giáo viên. Điều đáng nói là ở giải pháp quản lý. Nhiều năm nay, kết thúc năm học, mỗi giáo viên có đến 3 phiếu tự đánh giá và được đánh giá theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung và hình thức đánh giá xếp loại hết sức tỉ mỉ, rườm rà với 6 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí và hàng chục minh chứng khác nhau.
Chính sự rườm rà với quá nhiều tiêu chí minh chứng (có những minh chứng chỉ định tính, không định lượng được) nên làm cho quy trình tự đánh giá xếp loại trở nên rất hình thức vì không ai đủ thời gian rà soát nổi 25 tiêu chí với hàng chục minh chứng một cách chặt chẽ được.
Vì thế, việc đánh giá xếp loại chỉ là tương đối và đúng như tác giả đã chỉ ra: cuối cùng hòa cả làng! Đánh giá xếp loại như thế đã triệt tiêu động lực của giáo viên. Và việc phát sinh tư tưởng trung bình chủ nghĩa là điều tất yếu.
3. Rõ ràng, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ, cũng là để nâng cao chất lượng dạy học không thế cứ theo cung cách quản lý đã lỗi thời. Chúng tôi rất đồng tình phải coi trọng hiệu quả dạy học và lấy hiệu quả dạy học là tiêu chí quyết định để đánh giá xếp loại cả cán bộ quản lý và giáo viên. Vì chất lượng dạy học là mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất của một nhà trường phổ thông.
Đúng như tác giả đã nêu vấn đề, chúng tôi rất tha thiết Bộ GD-ĐT và các nhà trường hãy xác định và giảm bớt các loại hồ sơ không cần thiết để giáo viên và hiệu trưởng tập trung đầu tư cho chuyên môn.
Mặc dù tác giả cho rằng các giải pháp chỉ là góc nhìn cá nhân nhưng chúng tôi rất tâm đắc và phấn khích với giải pháp cứ 3 năm tổ chức kiểm tra năng lực giáo viên một lần. Một giải pháp có tính đột phá. Chỉ có làm như thế, kiến thức, kỹ năng người giáo viên mới luôn được hâm nóng và bổ túc. Đó là cơ sở để giáo viên giảng dạy có chất lượng. Tuy nhiên đó chỉ là điều kiện cần nhưng là điều kiện cần nhất.
Hi vọng rồi đây, Bộ GD-ĐT cũng như các trường học có những đổi mới thực chất trong quản lý để dạy học có hiệu quả không ì ạch mãi trong “vùng trũng”.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mời bạn đọc đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Mọi ý kiến xin gửi về hộp thư : online@baotienphong.com.vn.