Đổi đời nhờ nuôi tằm

TP - Nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tìm thấy hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế khi chuyển đổi từ trồng lúa, cà phê sang trồng dâu, nuôi tằm. Mô hình này không chỉ cải thiện đời sống vật chất cho nông dân mà còn thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn trên địa bàn.

Thoát cảnh bấp bênh

Tại xã Tân Văn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều hộ dân thay đổi cuộc sống đáng kể trong những năm qua. Theo bà La Hoàng Quyên, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Tân Thuận, khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống người dân trong thôn đã cải thiện rõ rệt nhờ chuyển từ trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm. Hiện có đến 80% người dân thôn Tân Thuận làm nghề này, cho thu nhập ổn định từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Trường hái dâu để nuôi tằm tại vườn mình

Đơn cử, gia đình anh Quàng Thanh Trường (37 tuổi, dân tộc Thái, trú thôn Tân Thuận) canh tác 6 sào lúa nhưng mỗi năm chỉ trồng được một vụ do thiếu nước tưới, thu nhập bấp bênh. Đến năm 2015, nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả, anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng dâu.

Nhờ chi phí đầu tư thấp, anh dễ dàng bắt đầu công việc mới, nhanh chóng có thu nhập ổn định.

Cách đó không xa, ông Sỳ Lỷ Xầu (54 tuổi) đang tất bật cho tằm ăn giữa buổi. Đôi tay thoăn thoắt rải lá dâu, ông chia sẻ, hơn 10 năm trước, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào đất nông nghiệp sang trồng dâu nuôi tằm. Lý do bởi cây dâu không sử dụng nhiều nước tưới và có thể thu hoạch lá quanh năm. Trong khi đó, 6 sào ruộng nhà ông chỉ thu hoạch được một mùa, do thiếu nước canh tác.

Ông Xầu cho biết, việc nuôi tằm cũng không quá phức tạp. Giống tằm được cung cấp từ các cơ sở trong vùng với mức giá hợp lý. Nhờ mô hình này, mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 20 triệu đồng, thoát khỏi cảnh chật vật kinh tế trước đây.

Tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, xưa nay người K’Ho vốn quen trồng lúa, trỉa bắp, còn cây dâu, con tằm thì quá đỗi xa lạ. Khi về quê chồng ở buôn B’Nong Rết, chị K’Déo (tổ dân phố Đa Huynh) nhận thấy nơi đây mọi người đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Thấy bà con làm ăn khấm khá nên chị quyết tâm học nghề.

“Ban đầu, lắm lúc lúng túng, nhiều lứa tằm bị hao hụt nhưng tôi vẫn không nản lòng, kiên trì học hỏi kỹ thuật từ bà con. Sau lần thất bại, những mẻ kén trắng muốt đầu tiên đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đến nay, với 6 sào dâu, mỗi tháng gia đình nuôi hai hộp tằm, thu về từ 20-25 triệu đồng”, chị K’Déo phấn khởi.

Phát triển bền vững nghề nuôi tằm

Theo anh K’Nhen, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Đa Huynh, thời gian qua, UBND thị trấn Đinh Văn cũng mở các lớp tập huấn trồng dâu nuôi tằm cho người dân. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ hưởng ứng mô hình trồng dâu, nuôi tằm, ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật hiện đại tăng năng suất và chất lượng kén tằm.

Bà Lan phun thuốc cho lứa tằm bị tiêu chảy

“Nghề trồng dâu, nuôi tằm giúp nhiều hộ dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Nhiều con em của các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, Nùng, Thái, Thổ, Tày,… có điều kiện học hành tốt hơn nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nghề này. Hiện trong số 120 hộ dân tộc thiểu số ở thôn Tân Thuận đã có 70 hộ chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm”, bà La Hoàng Quyên - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Tân Thuận cho biết.

Tới nay, huyện Lâm Hà có gần 4.000ha đất trồng dâu nuôi tằm. Theo UBND huyện Lâm Hà, mục tiêu phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững. Từ đó, huyện sẽ hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2023, sản lượng kén tằm toàn tỉnh đạt hơn 16.500 tấn, với giá kén dao động từ 180.000-210.000 đồng/kg, góp phần phát triển ngành dâu tằm có sự tăng trưởng ổn định. Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm, diện tích dâu tằm toàn tỉnh Lâm Đồng đang dần được phục hồi, với diện tích canh tác đạt hơn 10.200ha, 11 chuỗi liên kết, 580 hộ tham gia... góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cho người dân.

“Huyện tiếp tục mở rộng các cơ sở sản xuất tơ tằm trên địa bàn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo quy trình khép kín từ trồng dâu, nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa. Từ đó nâng cao chất lượng tơ tằm hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng kén tằm ước đạt khoảng 1.000 tấn/năm”, một lãnh đạo huyện Lâm Hà thông tin.