Đó là bằng việc tổ chức giờ học tại các địa danh, khu di tích hoặc mời những cựu chiến binh đến nói chuyện với học sinh (HS).
Học sinh được gặp nhân chứng sống lịch sử
Những ngày giữa tháng ba này, chúng tôi tìm về các trường học ở xã Triệu Trạch - điển hình tiêu biểu của huyện Triệu Phong trong triển khai mô hình đổi mới môn lịch sử. Chúng tôi ghé vào chốt thép Long Quang (di tích lịch sử cấp quốc gia), nơi các em học sinh lớp 4 và lớp 5 Trường Tiểu học cơ sở số 1 Triệu Trạch đang có giờ học môn lịch sử địa phương.
Đứng ở chốt thép - nơi cách đây 40 năm mình đã từng cầm súng chiến đấu, ông Phan Tư Kỳ (60 tuổi, cựu chiến binh xã Triệu Trạch) không khỏi bùi ngùi xúc động. Giọng ông Kỳ đầy tự hào vang lên: Triệu Trạch là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi có hơn 6000 chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do. Có chốt thép Long Quang đã đi vào lịch sử dân tộc, chặn đứng nhiều cuộc tấn công, chiếm đóng của kẻ thù.
Bằng chất giọng hào hùng và lối kể truyện đầy sinh động của một người đã từng cầm súng chiến đấu, cả lớp học không một tiếng động, các em học sinh đã bị cuốn hút bởi ánh mắt, giọng nói, cử chỉ mà của một "người thầy” không chuyên.
Khi ông Kỳ trầm ngâm nhìn ra xa sau một hồi nói chuyện thì bỗng có một cánh tay của em Võ Văn Thành (lớp 5A) giơ lên ở cuối hàng hồn nhiên hỏi: Bác ơi, sao mà được gọi là chốt thép Long Quang? Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào người cựu chiến binh tóc đã điểm 2 màu ấy, ông chầm chậm giải thích: Chốt thép Long Quang là một mắt xích quan trọng nằm ở vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía Đông Thành cổ Quảng Trị từ xa.
Nơi đây, có trung đoàn bộ đội chủ lực 64, sau đó là trung đoàn 65 kết hợp với bộ đội địa phương tạo thành lá chắn thép chặn dừng bước tiến của địch. Bộ đội có nhiệm vụ bảo vệ từng mét đường, ngôi nhà. Hễ địch tới chỉ có chết chứ không có con đường sống.
Như chưa thỏa mãn trí tò mò, các em dồn dập hỏi bác Kỳ: Chốt thép Long Quang là chốt chặn địch vệ Thành cổ Quảng Trị từ xa là sao hả bác? Nghe tới câu hỏi này, ông Kỳ mang ra một tấm bản đồ, vừa nói vừa chỉ dẫn: Chốt thép Long Quang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược, nó nằm vị trí trung điểm cánh đông (tức là là đoạn giao điểm của Cửa Việt và thị xã Quảng Trị. Địch muốn đánh thành cổ Quảng Trị, Cửa Việt đều phải qua chốt thép này. Nếu chốt thép bị đánh thủng đồng nghĩa thị xã Quảng Trị và Cửa Việt sẽ bị uy hiếp trực tiếp và bị bao vây. Từ ngày 22/7/1972 đến ngày ký Hiệp định Pari 1973, chốt thép Long Quang đã đứng vững, đẩy lùi quân địch, góp phần chia lửa với thành cổ Quảng Trị.
Lắng nghe bác Kỳ kể về di tích tại địa phương, em Lê Văn Hoan (lớp 5A) hào hứng: “Em đã từng nghe ba mẹ nói nhiều về chốt thép Long Quang nhưng hôm nay mới được tới khu di tích, gặp bác Kỳ kể lại những chiến công hào hùng của quân và dân ta. Nghe bác Kỳ kể chuyện, tái diễn lại những trận chiến mà em cứ ngỡ lịch sử đang hiển hiện ngay trước mắt. Em rất xúc động và cũng rất tự hào khi mình được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê hương Triệu Trạch này. Chúng em hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt để sau này góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”.
Nói về việc truyền lửa này, ông Kỳ vui vẻ nói: “Mỗi một ngày gặp gỡ, trò chuyện về lịch sử với các em học sinh, tôi như sống lại 40 năm về trước. Đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi tự hào. Tôi mong muốn các cháu hiểu, nắm vững kiến thức lịch sử quê hương. Qua đó, tự rút ra bài học riêng cho bản thân từ mỗi câu chuyện lịch sử”.
Không giấu nổi niềm xúc động trước việc làm của ông Kỳ, cô giáo Lê Thị Mỹ Dung tâm sự: “Từ khi bắt đầu đổi mới chương trình dạy lịch sử, nhà trường đã mời một số cựu chiến binh đến nói chuyện với các em. Ông là một trong những người rất tâm huyết với thế hệ trẻ, luôn sẵn lòng, nhiệt tâm truyền lại kiến thức, vốn hiểu biết lịch sử của mình”.
Một phương pháp để chống học “chay” lịch sử
Đã từ lâu rồi, người ta nói rất nhiều về vấn đề chất lượng dạy và học lịch sử. Câu chuyện thời sự ấy cứ lặp đi lặp lại. Các nhà làm giáo dục tâm huyết đã phải lên tiếng rằng cần phải đổi mới phương pháp, giảm tình trạng học “chay” đọc - chép… Và không quá khi nói rằng cách làm và đổi mới môn học lịch sử tại nhiều trường học ở huyện Triệu Phong là một hướng đi mới tích cực, cần khuyến khích nhân rộng.
Triệu Phong là huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị về đổi mới môn học lịch sử. Tính tới thời điểm hiện tại huyện đã áp dụng đổi mới trên toàn bộ các trường cấp 2 với 17 trường THCS có 6943 em; khối cấp 1 (chỉ có hai lớp 4 và lớp 5 học lịch sử địa phương có 3252 em).
Các trường học tại xã Triệu Trạch là một trong số “điển hình tiêu biểu” đó. Từ khi áp dụng đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, các buổi học không chỉ còn “độc món” đọc - chép mà thay thế vào đó là nhiều “cách tân” dùng máy chiếu dạy học, đưa học sinh tới khu tích, gặp nhân chứng lịch sử.
Cô giáo Mai Thị Thu Trang, có thâm niên dạy môn lịch sử 9 năm tại Trường cấp 2 Triệu Trạch chia sẻ: Ngoài các tiết học trên lớp với các thiết bị hỗ trợ học tập môn lịch sử thì vào các ngày lễ lớn 30/4, 27/7…, nhà trường tổ chức các giờ học lịch sử tại khu di tích, nghĩa trang hay gặp những nhân chứng lịch sử để giới thiệu, cung cấp kiến thức cho các em. So với cách học môn lịch sử ngày trước, phương pháp học mới này giúp các em hứng thú, tò mò hơn, kích thích tư duy sáng tạo. Trước đây, “đỏ mắt” cũng khó tìm được nhiều em đạt điểm cao nhưng hiện giờ rất nhiều em làm bài tốt, đạt điểm 9, 10.
Em Lê Thị Thảo Trinh (học sinh lớp 9B, trường cấp 2 Triệu Trạch) vừa đạt điểm 10 trong kỳ thi học kỳ 1 vừa qua vui mừng nói: “Vượt ra khỏi những trang giấy, em thấy học lịch sử cuốn hút, sinh động hơn rất nhiều. Cách học mới không chỉ giúp em được nghe, được thấy mà còn được chạm vào hiện vật lịch sử. Mỗi tiết học như vậy, nó khắc sâu vào tâm trí, giúp em ghi nhớ kiến thức ngay tại nơi học”.
Đánh giá những kết quả ban đầu đạt được, cô giáo Trần Thị Đoan Trang - tổ trưởng bộ môn lịch sử phòng giáo dục huyện Triệu Phong chia sẻ: “Thành quả bước đầu rất tích cực. Chất lượng, điểm số các em đều nâng cao. Đặc biệt, trong mấy năm học gần đây, đội tuyển thi học sinh giỏi môn lịch sử của huyện đều đạt thành tích cao trong tỉnh. Cụ thể, năm học 2010 - 2011, đội tuyển đạt giải Nhì toàn tỉnh; năm học 2011 - 2012, đạt giải Nhất.
Với những thành quả trên, bà Nguyễn Thị Phước Hòa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Triệu Phong cho biết: Gần 3 năm đổi mới môn học lịch sử với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng phương pháp dạy học môn lịch sử này cho những môn học khác và tổ chức nhiều buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường học để bộ môn lịch sử ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Nguyễn Tuấn
Dân trí