Độc đáo Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang

TP - Khoảng 21 giờ ngày 9/6, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (ICC MAB), UNESCO đã công nhận Lang Biang là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (DTSQTG). Đây là Khu DTSQTG đầu tiên ở Tây Nguyên và là Khu DTSQTG thứ 9 ở Việt Nam.

Những thực vật cổ sinh cùng thời với khủng long

Nếu như rừng Cúc Phương (Ninh Bình) tự hào với cây chò ngàn năm tuổi thì Bidoup (Khu DTSQTG Lang Biang) cũng chẳng thua kém với cây Pơmu hơn 1.300 năm. Lão cổ thụ với chiều cao trên 40 m, chu vi thân cây bằng 9 người ôm (13,5 m) này đã được các nhà khoa học đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là cây di sản. Khu DTSQTG Lang Biang còn có sức hút đặc biệt với giới nghiên cứu vì sở hữu hai loài cổ thực vật sinh cùng thời với khủng long, được xem như hóa thạch sống là thông hai lá dẹt và thông năm lá. Ngoài ra không thể không kể đến loài thông đỏ quý hiếm, được sử dụng chiết xuất 10- DB III và taxol làm nguyên liệu điều chế thuốc chữa trị ung thư.

Pơmu cổ thụ tại Khu DTSQTG Lang Biang.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát, thống kê nơi đây có tới 62 loài thực vật quý hiếm, 29 loài có tên trong Sách Đỏ của Việt nam và Hiệp hội bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN). Tất cả đều là đặc hữu, không nơi nào khác trên thế giới có được, trong đó 14 loài được đặt tên vùng Lang Biang, 9 loài tên Đà Lạt và 5 loài mang tên Bidoup, đỉnh núi cao nhất Nam Tây Nguyên. Nơi đây cũng được đánh giá là vương quốc lan rừng với hơn 250 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu như Hoàng thảo Lang Biang, La dơn Lang Biang, Vân đa Bidoup…

Nơi xem chim lý tưởng nhất Việt Nam

Khu vực này đã được Birdlife International xác định là 1 trong 5 khu vực chim đặc hữu tại Đông Dương, một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Việt Nam có 13 loài chim đặc hữu thì riêng khu vực này sở hữu tới 7 loài gồm Mi Langbiang, Khướu đầu đen, Khướu hông đỏ, Lách tách ngực nâu, Sẻ thông họng vàng, Chích chạch má xám và Khướu đầu đen má xám.

Nơi đây còn có 52 loài động vật quý hiếm, trong đó 36 loài nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và 26 loài nằm trong Sách Đỏ của IUCN, tiêu biểu là hổ, voi, báo lửa, bò tót, sơn dương, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, chó sói đỏ, cu li nhỏ, chà và chân đen, vượn đen má hung…

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng, việc Lang Biang trở thành Khu DTSQTG là niềm tự hào, là cơ hội hợp tác quốc tế, phát triển du lịch quảng bá hình ảnh của Lâm Đồng - Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên trách nhiệm và thách thức cũng rất lớn. Thời gian tới Lâm Đồng càng phải tăng cường quản lý để bảo tồn và phát triển thành công Khu DTSQTG này theo phương châm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát triển phải bảo tồn.