> Lương tháng 'đọ' với lương tâm
Cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 20km, nhà của lương y Phạm Duy nằm sát tỉnh lộ 1 (thuộc thôn Hoài Nam I, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) nép mình trong vườn đầy cây thuốc.
Ông say sưa kể về “chiến tích” từ khi bắt đầu chữa bệnh cứu người. Năm 1985, ông đưa vợ con rời quê hương (xã Đồn Xá, Bình Lục, Hà Nam) vào Đăk Lăk lập nghiệp, ông làm thư viện, bà là giáo viên. Năm 1992 ông về hưu, bắt đầu cắt thuốc chữa bệnh. Ông nhớ lại: Ngày đó ở đây rừng núi còn âm u, hoang vắng, trùng độc nhiều vô kể.
Vốn sinh ra trong gia đình có nghề thuốc bắc, ngoài các bài thuốc chữa các bệnh cơ bản, ông còn được cha truyền cho bài thuốc gia truyền “Đoạt mệnh tán” đặc trị rắn độc cắn. “Đoạt mệnh tán” theo ông là đoạt lại mạng sống của người bị rắn cắn trong cơn “thập tử nhất sinh”.
Ma Doen, người hàng xóm dân tộc Ê đê kể lại lần bị rắn cắn khi làm rẫy. Vợ Ma Doen vội kêu người làng ra bỏ lên xe bò để chở về nhà, còn bà tức tốc đạp xe mời ông Duy đến cứu chữa. Mưa như trút nước, ông Duy lên đường. Đến đầu buôn thì bắt gặp chiếc xe chở bệnh nhân về.
Ông Duy xem qua và nói với mọi người căng bạt tại chỗ để ông cho bệnh nhân uống thuốc ngay. Bởi Ma Doen bị rắn mai gầm cắn, loại rắn cực độc mà dân gian vẫn nhắc “mai tại chỗ, hổ về nhà” ý nói bị rắn mai cắn sẽ chết tại chỗ nếu không có thuốc giải độc kịp thời. “Thầy Duy không đến kịp thì mình về với Giàng rồi! ”- Ma Doen nhớ lại.
Có lần ông cứu một bệnh nhân bị rắn Thái Lan cắn - loại rắn xuất hiện từ hồi chiến tranh, địch dùng để gác đồn bốt tránh sự xâm nhập của bộ đội ta. Rắn Thái Lan cực nguy hiểm bởi chất độc của nó làm máu không đông, nạn nhân chảy hết máu mà chết.
Người nhà bệnh nhân mời ông lên Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đăk Lăk cứu nguy bởi nạn nhân đã điều trị ở bệnh viện tới ngày thứ ba mà máu vẫn không cầm. Xuống tới nơi, ông thấy bệnh nhân vừa phải truyền máu, vừa phải dùng bô hứng máu rỉ ra không ngừng từ vết thương. Ông xin phép bác sĩ được cho bệnh nhân uống thuốc, sau 3 giờ đồng hồ máu bắt đầu ngưng chảy, đến hôm sau bệnh nhân xuất viện.
Là thành viên của Hội Đông y huyện Buôn Đôn, đến nay ông Duy đã cứu chữa cho 548 người bị rắn cắn. Chi phí ca nhiều nhất chỉ đôi ba trăm nghìn đồng. “Nhiều người chưa biết, dù bị rắn độc cắn nhưng tới lại nói dối chỉ bị con nhện, con rết cắn vì sợ không đủ tiền trả. Nhưng tôi tâm huyết làm nghề để chữa bệnh cứu người chứ chẳng bận tâm việc kiếm sống, lương hưu nuôi hai vợ chồng cũng đủ”, ông Duy tâm sự.
Năm nay ông Duy bước sang tuổi 75, hai con lớn đã ra riêng, con gái út theo học Đông y nối nghiệp. Ông mở tủ lấy cuốn sổ ghi danh sách bệnh nhân có kẹp những lá thư cảm ơn khắp nơi gửi về, tự hào: “Đây là món quà ý nghĩa nhất đời người thầy thuốc. Nhiều đứa bé tôi cứu nay đã vào đại học, thỉnh thoảng lại về thăm hỏi, thế là vui rồi”.