Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản nói công ty ông vẫn phụ thuộc đến 85% nguồn nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc kiểm soát nguồn nguyên liệu không dễ dàng. Ông dẫn chứng sự cố 80 con heo nhiễm chất tạo nạc được phát hiện mới đây. “Các cơ quan chức năng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn việc buôn bán, sử dụng các loại hóa chất này”- ông Mười kiến nghị.
Trong khi đó, dù tạo vùng nuôi thủy sản cho riêng mình, ông Trương Tiến Dũng- Giám đốc Công ty Cổ phẩn kinh doanh thủy sản Sài Gòn thừa nhận nguồn nguyên liệu này cũng đứng trước nguy cơ nhiễm kháng sinh. “Nhiều hộ chăn nuôi đã lạm dụng kháng sinh quá mức khiến nguồn nước cũng bị nhiễm kháng sinh, do vậy cá của chúng tôi tự nuôi ở một số nơi cũng bị nhiễm kháng sinh”- ông Dũng nói và cho biết nhiều đơn hàng của mình đã bị thị trường Mỹ và châu Âu trả lại do hàm lượng kháng sinh tồn dư trong thủy sản vượt quá ngưỡng cho phép.
“Chất lượng là sự sống còn, là uy tín của chúng ta với cộng đồng xã hội. Thay vì ngồi chờ các cơ quan chức năng kiểm tra, doanh nghiệp cần tự thân kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ uy tín của chính mình”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói tại buổi gặp.
Trước đó, trong ngày 13/12, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh tại Đồng Nai.
Theo bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 822 người mắc, 5 người tử vong. Riêng trong năm 2016 có 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 21 người mắc. Qua kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Đoàn công tác của Quốc hội ghi nhận, cơ bản các cơ sở đều có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, khi kiểm tra thực phẩm tươi sống tại một siêu thị thì chỉ có tên sản phẩm chứ không có các thông tin khác như quy chuẩn quy định, xuất xứ hàng hóa…