Hai tuổi mắc ung thư
Tôi nhác thấy một đứa trẻ hý hoáy giở hộp cơm ra ăn. Từng động tác nhanh nhẹn, dứt khoát và chính xác của cậu bé khiến tôi ngạc nhiên. Không hề có người lớn bên cạnh. Cậu nhoẻn miệng cười để lộ đôi má lúm đồng tiền xinh xắn, đề nghị: “Con thích được chụp ảnh lắm”.
Nguyễn Đình Tùng (tên của bé) mới 4 tuổi nhưng đã bị ung thư máu 2 năm nay. Từ đó tháng nào Tùng cũng được mẹ Tạ Thị Hằng đưa vào viện điều trị theo diện ngoại trú. Thế nhưng cũng có những tháng, bé liên tục có mặt tại viện vì bị sốt. Bất chấp trời giông gió, mưa to giữa đêm hay cái lạnh cắt da thịt, hễ bé sốt là hai mẹ con lại bồng bế nhau vào viện để bác sĩ cho uống thuốc hoặc truyền hóa chất. Mỗi lần uống là một cực hình với Tùng.
Người mẹ trẻ bao lần thức đêm, nước mắt lặng lẽ chảy khi con kêu: “Mẹ ơi kiến đốt, con không chịu được”. Tùng còn quá bé để cảm nhận đó là do thuốc điều trị có tác dụng phụ gây khó chịu trong xương cốt. Tùng phải ở lại Khoa Ung bướu trong dịp Tết Nguyên đán 2011 bởi bé bị sốt cao, co giật, liên tục cấp cứu.
Tùng đã ba lần phải truyền hóa chất. Mỗi lần truyền xong, tóc cứ rụng dần. Lần đầu tiên thấy đầu không còn sợi tóc nào, Tùng cứ giãy nảy lên đòi “Mẹ trả tóc cho con”.
Giữa trưa, cả khoa nháo nhác vì một bệnh nhi phải đưa vào cấp cứu. Lương Tuấn Đạt, 4 tuổi (ở Quảng Ninh) bị ung thư tuyến thượng thận trái lên cơn co giật vì sốt cao. Giữa năm 2009, Đạt được phát hiện có khối u ở tuyến thượng thận trái. Giờ Đạt đang ở những ngày cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình khi bác sĩ cho biết tế bào ung thư đã di căn vào xương chậu và ở giai đoạn cuối. Bệnh tật cướp đi ánh sáng của đôi mắt. Đầu bé sưng to biến dạng, cơ thể đau nhức triền miên, không còn đáp ứng với hóa chất và thuốc truyền. Để những ngày còn lại của Đạt bớt đau đớn, hàng ngày bác sĩ phải tiêm mooc-phin cho bé.
TS.BS Bùi Ngọc Lan - trưởng khoa cho biết hóa chất là những loại thuốc gây độc tế bào (nó có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời tiêu diệt cả các tế bào bình thường của cơ thể). Những bệnh nhi ung thư ở Khoa Ung bướu đều trải qua các tác dụng phụ của việc truyền hóa chất như nôn, rụng tóc, loét miệng, sốt, nhiễm trùng...
Bác sĩ khuyến cáo các tác dụng phụ của hóa chất về lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như gan, tim, thận, bộ phận sinh dục và thậm chí có thể là nguyên nhân gây các bệnh ung thư thứ phát. Nhưng tất cả bố mẹ của bệnh nhi đều đành lòng để con truyền hóa chất. Nếu không truyền, sự sống của chúng còn ngắn hơn.
Lay lắt
Ung thư máu (bạch cầu cấp) là bệnh ung thư thường gặp nhiều nhất ở trẻ em. Chẳng thế mà có tới gần 2/3 bệnh nhi ung thư tại khoa là mắc bệnh căn bệnh này. Trong phòng bệnh, bé Lý Văn Hoàng (xã Cai Bộ, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) trông gày gò, nhỏ thó ngồi lặng lẽ trên giường. 8 tuổi nhưng cậu bé mới chỉ nặng 18,5 cân. Nhai trệu trạo miếng cơm, Hoàng nhăn mặt cố chịu cơn đau.
Người đàn ông với nét mặt xương xương, khẽ khàng lau những giọt mồ hôi trên trán cho con trai vừa rơm rớm nước mắt. Hoàng là con thứ hai của vợ chồng anh Lý Văn Quý. Căn bệnh viêm đa khớp khiến phần cơ trên chân, tay cậu bé cứ teo dần, xương đầu gối nhô ra trơ khấc. Hai năm qua, cha dẫn con đi bệnh viện không biết bao nhiêu lần để chữa bệnh khớp.
Bệnh viện báo Hoàng mắc thêm bệnh ung thư máu. Số tiền 10 triệu đồng vay mượn ngân hàng chữa bệnh cho con nhanh chóng tiêu tan. Cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để có tiền đưa con đi chữa bệnh nhưng hy vọng sống của cậu bé rất mong manh. Giọng người cha run lên: “Tôi biết chẳng giữ được cháu ở lại với mình lâu nữa. Cô chụp cho nó tấm hình rồi cho tôi xin nhé”. Đôi mắt tròn xoe, ánh nhìn buồn vời vợi của Hoàng cứ theo tôi mãi.
Nhiều bé còn đang được ẵm ngửa cũng đã mắc khối u gan, u thận hoặc ung thư máu. Chị Minh Thu (Hòa Bình) cho biết: “Tôi phát hiện ra cháu bị u từ khi cháu được 6 tháng. Khi sờ bụng cháu thấy nó cứng cứng”.
Chị Thu chỉ kể được hai câu, rồi nước mắt rơi lã chã. Kể từ khi phát hiện bệnh, gần năm trời cha mẹ bỏ ruộng lên trông con trong viện. Các bé dưới 6 tuổi được miễn viện phí, nhưng với một gia đình ở nông thôn chỉ trông vào vài sào lúa làm thu nhập chính, thì việc lên thành phố, vào viện chăm sóc con, thì chi phí là thách thức lớn...
Trong thời gian bệnh nhi điều trị ở bệnh viện, Bảo hiểm Y tế chi trả tiền thuốc, giường bệnh, xét nghiệm. Khi bệnh nhân điều trị ngoại trú, gia đình sẽ phải chi phí toàn bộ. Điều trị ung thư tốn nhiều thời gian nên gia đình ở xa sẽ phải chi phí rất nhiều tiền đi lại và ăn ở. Những bệnh nhân nghèo, xa xôi, tiên lượng bệnh xấu thường bỏ điều trị. Theo ước tính của Bệnh viện Nhi T.Ư, hằng năm, gần nửa số bệnh nhân bỏ điều trị. Cũng bởi cái nghèo đeo đẳng…
Một bữa tôi quay trở lại Khoa Ung bướu để tặng cho bọn trẻ những bức hình chụp chúng nô đùa. Hương, mới 5 tuổi níu tay tôi bảo: “Cô ơi, anh Nam ấy, cô nhớ không, anh ấy được đi chơi xa rồi đấy”. Chị Hoa, mẹ Hương, nói khẽ: “Bé Nam mất rồi cô ạ. Bọn tôi phải nói dối lũ trẻ để chúng không quá buồn mà bệnh thêm nặng”.
Bác sĩ Lan chia sẻ: “Hàng chục năm trong nghề nhưng, lần nào cũng như lần nào, mỗi khi khám cho các bệnh nhi ung thư giai đoạn cuối, tôi cảm thấy rất buồn vì không thể có nhiều cơ hội cứu sống các cháu. Việc điều trị chủ yếu là để tăng chất lượng cuộc sống còn lại của bọn trẻ”.
Có lẽ ở Bệnh viện Nhi T.Ư, không có khoa nào lại nhiều nước mắt đến vậy. Những ánh mắt thất thần, những giọt nước mắt âm thầm rơi...
Mỗi năm có khoảng 400 bệnh nhi được chẩn đoán là ung thư mới tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng dễ phát hiện ở giai đoạn muộn. Các bác sỹ khuyên nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ. Khi có những dấu hiệu bất thường như khối u, có hạch to kéo dài, thiếu máu, các bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm tìm dấu hiệu của ung thư.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em là ung thư máu, tiếp theo là u não, u nguyên bào thần kinh, u lympho, u thận, u gan. Tại Việt Nam, ung thư trẻ em chiếm khoảng 1,63% tổng số ca ung thư.