Hà Nội bức bí, ngột ngạt vì đâu? - Bài 3:

Đô thị vệ tinh, “giấc mơ” vời xa?

TP - Theo quy hoạch, hàng loạt các khu đô thị vệ tinh, các dự án đô thị mới được cấp phép ở các huyện ngoại thành nhằm góp phần giãn dân nội đô, giảm ùn tắc cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực…
Bộ mặt của “đô thị vệ tinh” Xuân Mai vẫn còn khá nhếch nhác. Ảnh: NT.

Đô thị vệ tinh chia sẻ với đô thị trung tâm

Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị và hình thành các đô thị vệ tinh. Cụ thể, Hà Nội tổ chức không gian theo mô hình chùm đô thị bao gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Về dân số dự báo năm 2020, Hà Nội đạt khoảng 7,3-7,9 triệu người và đạt 9 triệu vào năm 2030.

Đối với 5 đô thị vệ tinh có chức năng đặc thù riêng, gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... Dự báo dân số ở 5 đô thị vệ tinh trên đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3-1,4 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, yêu cầu phát triển đô thị vệ tinh đã nhiều lần được đặt ra. Mục tiêu của các đô thị vệ tinh này rất quan trọng trong phát triển xây dựng Thủ đô, góp phần quan trọng vào việc giãn dân tại khu vực nội đô lịch sử. Bên cạnh đô thị vệ tinh, thành phố cấp phép xây dựng các dự án nhà ở, khu đô thị từ vành đai 3 đến vành đai 4 một phần cũng nhằm thực hiện yêu cầu giãn dân.

Vẫn nằm trên giấy!

Một vòng quanh thị trấn Xuân Mai, Hòa Lạc, nhóm PV Tiền Phong nhận thấy bộ mặt đô thị cơ bản vẫn không có nhiều thay đổi. Tình trạng các hộ dân kinh doanh buôn bán, sống bám theo mặt đường, vỉa hè khá nhếch nhác. Con đường đi vào các khu dân cư vẫn mù mịt bụi đất. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) khẳng định, việc quy hoạch đô thị vệ tinh Xuân Mai rất phù hợp yêu cầu phát triển. 

Tuy nhiên, thực tế quy hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy. Thị trấn Xuân Mai chưa nhận được bất cứ khoản đầu tư hoặc cơ chế chính sách mới nào nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thị trấn để trở thành một đô thị hiện đại, xứng tầm là đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm Hà Nội. Đô thị vệ tinh Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội)-nơi quy hoạch hình thành đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng..., nhưng cho tới nay người dân ở đây vẫn phải đỏ mắt chờ dự án.

Theo Quy hoạch chung của Hà Nội, về định hướng phát triển nhà ở đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn sử dụng/ người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người.

Theo quy hoạch, đô thị vệ tinh Hòa Lạc (cửa ngõ phía Tây Hà Nội) có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, đầu tư các cơ sở trọng tâm là ĐH quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, các dự án này vẫn ngổn ngang, dang dở chưa biết ngày hoàn thành. Tấm biển giới thiệu về dự án Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc bao nhiêu năm vẫn mờ nhạt, nghiêng ngả cạnh những bụi cây hoang dại ven đường. Nhiều hạng mục quan trọng của dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

 

Ông Nguyễn Đình Thắng, cán bộ địa chính thị trấn Xuân Mai cho hay, thị trấn có 9 khu dân cư nhưng có tới 7 khu dân cư hằng ngày người dân vẫn cày cấy. “Người dân và chính quyền đều mong ngóng khu đô thị vệ tinh  trở thành hiện thực nhưng không biết đến bao giờ”, vị cán bộ này tâm sự. Ngay cả hai dự án xây dựng siêu thị rộng hơn 3 ha, dự án bệnh viện 3,7 ha cũng bỏ hoang cỏ mọc.

Tìm hiểu tại các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai… chúng tôi cũng tận thấy khá nhiều dự án nhà ở, đô thị mới bỏ hoang. Khu đô thị Vân Canh được Tổng Công ty HUD đầu tư xây dựng nhiều năm qua, đã hoàn thiện phần xây dựng nhà, đường giao thông nhưng thưa thớt bóng người. 

Một số người mua nhà tại đây cho hay vẫn chưa muốn về ở do hạ tầng không đồng bộ, nhất là không có hệ thống trường học chất lượng cao, nơi vui chơi giải trí và phải đi lại khá xa để vào làm việc tại khu trung tâm. Đại diện lãnh đạo UBND một số huyện ngoại thành đề nghị cần đẩy nhanh hơn tiến độ quy hoạch chi tiết các đô thị vệ tinh, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư. “Để các đô thị vệ tinh thành hiện thực rất cần thành phố đẩy nhanh quy hoạch phân khu, đầu tư hạ tầng và đặc biệt là có các chính sách đủ sức hấp dẫn”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Nhiều khu đất dịch vụ giao cho dân tại Vân Canh, Mê Linh, Hoài Đức… không có hạ tầng, hạ tầng không đồng bộ nên nhiều năm qua không hình thành được diện mạo đô thị. Nhiều khu đô thị như Vân Canh, Kim Chung Di Trạch; Khu đô thị bắc QL 32, Khu đô thị Gleximco,  An Khánh... dù đã bàn giao nhà cho người mua nhưng hoang vắng, rất ít người chuyển đến sinh sống tại đây.