Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Do đâu Bộ trưởng GTVT nhiều phiếu tín nhiệm thấp?

TP - Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được 142 phiếu tín nhiệm cao (29,28%), 221 phiếu tín nhiệm (45,57%) và 107 phiếu tín nhiệm thấp (22,06%). Với kết quả này, ông Thể nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhiều thứ 2 chỉ sau Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Như Ý.

Đánh giá về kết quả trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, trường Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, trong thời gian 1 năm giữ cương vị người đứng đầu ngành giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể không nổi bật. Trong khi đó, nhiều vấn đề tồn tại ông Thể giải quyết chưa tốt. TS Mai dẫn chứng, điển hình là việc đổi tên trạm thu phí sang trạm thu giá.

“Sự việc này đã bộc lộ nhiều điều, là sai lầm cơ bản, nhưng khi dư luận có ý kiến Bộ trưởng GTVT lại chậm sửa đổi, đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng, thay vì tư nhận ra và thay đổi ngay”, ông Mai nói. Tiếp đó, theo ông Mai, dự án cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, không thể chấp nhận sự biện minh đổ lỗi cho bên này, bên kia, mà trước hết người đứng đầu Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, khi thăm tỉnh Cao Bằng, ông Thể lại ủng hộ tỉnh này quy hoạch làm sân bay. Trong khi cả nước đã có nhiều sân bay chưa khai thác hết, còn Cao Bằng không phải địa phương phát triển tới mức phải làm sân bay.

Ông Mai liệt kê sự việc xảy ra tại dự án BOT Cai Lậy để chứng minh thêm năng lực giải quyết công việc của Bộ trưởng GTVT. Theo đó, dự án do chính ông Thể ký khi còn làm Thứ trưởng GTVT, khi xảy ra vấn đề lại đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng. “Bộ trưởng GTVT phải là người tham vấn cho Thủ tướng cách giải quyết, thay vì đẩy trách nhiệm quyết định cho cấp trên chỉ với 1 dự án nhỏ”, ông Mai nói.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) bổ sung, trong 1 năm giữ ghế Bộ trưởng GTVT ông Nguyễn Văn Thể có nhiều “điểm trừ”. Mới nhất là hư hỏng xảy ra trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dù hư hỏng do nguyên nhân nào, người đứng đầu ngành giao thông vẫn nên nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, thay vì như vậy, ông Thể lại đẩy trách nhiệm sang chủ đầu tư, nhà thầu, nên chưa thể hiện được vai trò của bộ trưởng. Hay việc thu phí không dừng để minh bạch hơn, nhưng bộ trưởng cũng không cương quyết thực hiện, tới nay vẫn chưa thực hiện được; kết nối logistics nói nhiều nhưng vẫn còn nguyên đó. “Dù các tồn tại của ngành giao thông có nhiều vấn đề từ nhiệm kỳ trước, do lịch sử để lại, nhưng ông Thể chưa thể hiện được vai trò của mình trong xử lý các vấn đề đó”, ông Đào phân tích.

Theo các chuyên gia, trong lần trả lời chất vấn trước Quốc hội (tháng 6 vừa qua), ông Thể được đánh giá là trả lời tốt, nắm được vấn đề. Tuy nhiên, sau đó nhiều vấn đề phát sinh, như BOT, tai nạn đường sắt, ùn tắc giao thông... vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, khi hàng loạt vụ tai nạn đường sắt xảy ra, với mức độ nghiêm trọng như cả đoàn tàu lật tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) hồi cuối tháng 5, đáng lẽ ở cương vị bộ trưởng, ông cần tới hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi nạn nhân, nhưng ông lại  xuất hiện ở lễ khánh thành cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp)...

Từ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, PGS.TS Phạm Xuân Mai hy vọng Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thay đổi tư duy, thể hiện vai trò tư lệnh ngành thay vì chỉ thừa hành chỉ đạo. Theo đó, ông Thể cần thể hiện được vai trò tham mưu cho Thủ tướng, chịu trách nhiệm trước các vấn đề phát sinh, tồn tại, đưa ra định hướng phát triển cho ngành GTVT.

Trước phiên bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, nhiều người thường xuyên theo dõi hoạt động của Bộ GTVT không quá khó dự đoán được kết quả.